an ninh - quốc phòng

Giới thiệu văn bản pháp luật Những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô
Ngày đăng 31/03/2014 | 00:00

Hà Nội là “Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điều 144 Hiến pháp năm 1992). Thăng Long – Hà Nội là địa danh tiêu biểu cho truyền thống Văn hiến- Anh hùng- Hòa bình – Hữu nghị của dân tộc Việt Nam, là đô thị đã có lịch sử ngàn năm, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đang được định hướng thành đô thị có vị thế ở khu vực và thế giới. Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô, Đảng, Nhà nước ta và Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô để đưa Thủ đô lên xứng tầm với vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt mang tính quốc gia của Thủ đô. Chủ trương nhất quán của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô được thể hiện trong nhiều Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, đặc biệt gần đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010 và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/1/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Các nghị quyết này đều khẳng định phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề ra những định hướng quan trọng về phát triển Thủ đô; yêu cầu xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô; giao Thủ đô thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút, sử dụng vốn, quản lý đô thị, dân cư, nhà đất.
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, nâng Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội lên thành Luật, xử lý những vấn đề tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh, đồng thời luật hóa một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng, phát triển thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến- anh hùng- hòa bình – hữu nghị của dân tộc Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô vào ngày 21/11/2012 và Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Thực hiện chương trình công tác tuyên truyền pháp luật của Hội Luật gia Hà Nội và hội đồng phối hợp PBGD pháp luật quận Hoàng Mai, Hội Luật gia Quận Hoàng Mai tổng hợp và giới thiệu Luật Thủ đô.
Dưới đây là một số nội dung cơ bản của Luật Thủ đô:
1. Vị trí, vai trò của Thủ đô
- Luật xác định: Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội
- Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; Là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Trụ sở cơ quan trung ương Đảng, Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình thành phố Hà Nội.
2. Trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô
Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, Vùng Thủ đô nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô
3. Biểu tượng của Thủ đô
Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh của Khuê Văn Các tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
4. Quản lý và bảo vệ môi trường
Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích. Việc cải tạo sông, suối, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan môi trường Thủ đô.
5. Quản lý đất đai
Đất đai trên địa bàn Thủ đô được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và pháp luật về đất đai. Căn cứ quy định của pháp luật, yêu cầu thực tế và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và của người có đất bị thu hồi, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các biện pháp bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô.
Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này và quỹ đất sau khi di dời cơ quan, đơn vị quy định tại điểm b khoản 3 điều này được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
6. Phát triển và quản lý nhà ở
Các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp được cải tạo, xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị. Việc cải tạo, xây dựng phải tuân thủ quy định về độ cao, mật độ dân cư, mật độ xây dựng theo quy hoạch. Việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 phải bảo đảm bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý dân cư
Dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú ở nội thành:
a) Các trường hợp quy định tại các khoản 2,3 và 4 điều 20 của Luật Cư trú
b) Các trường hợp không thuộc điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; Đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
8. Bảo vệ Thủ đô và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô
Việc xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:
a) Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
b) Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản này thì cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó.
9. Trách nhiệm của cán bộ công chức và nhân dân trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô
Cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Người dân Thủ đô có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, nếp sống văn minh thanh lịch, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh