an ninh - quốc phòng
Ngày 04/8/2022, tại Chi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm; kết quả triệt, xóa điểm mại dâm; các giải pháp tham mưu, triển khai thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022.
Tham dự hội nghị, có đồng chí Trần Quang Thức - Chi cục trưởng và các đồng chí Chi cục phó Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, cán bộ và chuyên viên phòng quản lý nghiệp vụ chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, thành viên đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố cùng đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội phòng Lao động Thương binh & Xã hội các quận, huyện còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm tại một số địa bàn công cộng, hè đường, tuyến phố.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia nghiêm túc, tập trung tiếp thu các nội dung liên quan đến nghiệp vụ của Đội kiểm tra liên ngành 178/CP mà các chuyên gia truyền đạt; tích cực trao đổi, chia sẻ, thảo luận, đưa ra những trường hợp thực tế phát sinh, khó khăn, vướng mắc và tồn tại, những nguyên nhân khi triển khai công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Khó khăn lớn thứ nhất là phải kể đến là những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp. Nghị định 178/2004 NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ và Thông tư 05/2006/TT-BLĐTB&XH không có quy định thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành. Đội chỉ có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính và kiến nghị xử lý đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý, theo dõi, tổng hợp kết quả xử lý những vi phạm về hoạt động mại dâm. Kinh phí và các nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động của Đội; Chế tài xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống mại dâm được quy định trong nhiều văn bản (Nghị định 178/2004 NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa…), trong đó có nhiều nội dung chồng chéo, dẫn đến khó trong việc xác định hành vi vi phạm và căn cứ xử lý hành vi vi phạm. Mặt khác, một số hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm đã được xác định là hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại chưa có chế tài xử lý hoặc không bao quát hết đối tượng cần xử lý như: hành vi "tổ chức hoạt động mại dâm", "bảo kê mại dâm", "cưỡng bức mại dâm" dẫn đến việc đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm gặp khó khăn; thêm nữa, hiện tại đa số người bán dâm có trình độ học vấn ở mức độ thấp, chủ chứa, môi giới thì đa dạng các thành phần, trong đó có cả những người đã từng có tiền án, tiền sự, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, đấu tranh, triệt phá.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm với quan điểm chủ đạo là lấy phòng ngừa làm trọng tâm; chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại; tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; từng bước xã hội hoá, xây dựng cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường...) vào công tác phòng ngừa mại dâm.
Một số nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là:
1. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về công tác thanh tra, kiểm tra cho thanh tra lao động, thanh tra văn hóa, công an, thành viên của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm các cấp.
2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, chú trọng vấn đề liên quan tới an toàn, sức khỏe, quyền lao động của lao động trong lĩnh vực dịch vụ giải trí nhạy cảm và các biện pháp nhằm tăng cường việc bảo vệ và đáp ứng những quyền đó.
3. Rà soát, đánh giá thực trạng và việc thực thi các quy định của pháp luật hiện hành về lao động đối với người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí; tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực về triển khai cụ thể công tác hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm thúc đẩy cơ chế đảm bảo quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội, các cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác phòng, chống mại dâm và cán bộ trực tiếp tham gia công tác cung cấp, hỗ trợ dịch vụ cho người bán dâm, người lao động.
Nguồn: phòng Lao động TBXH quận