Các trường

ĐIỀU ĐƠN GIẢN
Publish date 19/07/2023 | 16:16

Khi những cơn gió thổi cuốn theo những chiếc lá vàng nhỏ lăn vòng lạo xạo trên sân trường vắng, hoa phượng đã bớt đi màu đỏ chói ngời bởi đã được những cơn mưa bất chợt mùa hạ cuốn trôi đi.

Nhưng những chùm hoa vẫn kiêu hãnh vươn mình trong cái nắng chói chang như một lời khẳng định, níu kéo cô gái mùa hạ sôi nổi, nhiệt tình với bao nỗi ưu tư. Vẫn như mọi năm, vào những ngày giữa tháng 7, cô giáo Lê Thị Huế lại cùng các bạn đồng nghiệp vội vã đến trường học và hoàn thiện nâng cao chuyên môn.

Về công tác tại trường từ năm 2007, những năm đầu của chương trình thay sách giáo dục tổng thể 2000, cô Lê Thị Huế đã tham gia các công tác hoàn thiện chuyên môn giảng dạy và liên tục được nhà trường phân công chủ nhiệm các lớp từ lớp Hai đến lớp Năm. Là một người có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng chuyên môn vững vàng, cẩn thận chu đáo, ham học hỏi, cô Huế đã không ngừng nâng cao trình độ, khiêm nhường học hỏi đồng nghiệp và những người đi trước. Những năm đầu đổi mới, cô là người đầu tiên ứng dụng cách dạy lấy học sinh làm trung tâm. Lúc nào trong đầu cô cũng luôn tâm niệm, làm sao để có những bài giảng hay, sao cho tất cả các em học sinh tuy trình độ, tính nết, cách tiếp thu nhận định khác nhau vẫn nắm được nội dung của bài học? Đau đáu trong lòng những câu hỏi, cô đưa ra trong các tiết sinh hoạt chuyên môn, trong các buổi hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi, các buổi thảo luận.  Tôi vẫn nhớ cô giáo ấy - một cô gái có đôi mắt sáng, sắc lẹm, không quản ngại nhà xa, con nhỏ, kinh nghiệm dạy thuở ấy non nớt nhưng đã đạp phăng cách dạy truyền thống tồn tại hằng bao nhiêu thập kỉ. Cách dạy mà người thầy cứ nói, nói rất nhiều, học sinh chỉ được nghe và nói lại sau khi đã được thầy nhắc các quy tắc, ghi nhớ có trong sách giáo khoa. Cô dám đưa ra những cách dạy mới, tiền thân của các phương pháp đổi mới bây giờ. Những tiết dạy “bàn tay nặn bột”, “các hoạt động thảo luận nhóm”, “VNEN” … Cô có thể ngồi hàng giờ suy nghĩ, ghi chép ra những điều hay, đặt mua những đồ dùng dạy học phù hợp bằng đồng lương giáo viên nhỏ hẹp. Đặc biệt, cô đã cùng các bạn đồng nghiệp may, dán những bộ bảng nhóm, thẻ từ, thẻ ghi kết quả… sao cho có được một giờ học thật sự hiệu quả. Vất vả là vậy gian nan như thế nhưng trời không phụ lòng người. Các tiết dạy của cô được bạn bè, ban giám hiệu đánh giá cao, chất lượng dạy học được nâng lên. Phụ huynh kính trọng, học sinh yêu quý. Không những gặt hái được thành công về chuyên môn, cô cũng luôn là tấm gương sáng về cách sống; giản dị, chân thành, nghiêm khắc và cầu toàn. Cô vẫn hay đùa đó là những điểm yếu mà cô không khắc phục được. Nhưng chính sự cầu toàn là mục đích thúc đẩy cô luôn phải xông xáo, tìm tòi và khắc phục “cái cũ”, tìm ra “cái mới”, đưa “cái mới” vào áp dụng.

Nhắc tới bề dày thành tích của gần 20 năm công tác, lớp học do cô Lê Thị Huế chủ nhiệm năm nào cũng đạt lớp Tiên tiến Xuất sắc. Cô đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” năm học 2014 – 2015. Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Lao động Tiên tiến” và mới đây nhất cô đạt danh hiệu “ Đảm việc nước, giỏi việc nhà” năm 2023. Đặc biệt năm học 2020-2021, lớp Bốn cô chủ nhiệm có 19 em học sinh đạt giải cấp Quốc gia, quốc tế. Năm học 2022 - 2023, lớp Năm do cô chủ nhiệm đạt 12 giải trong đó có những giải như ITMC, Toán học TIMO, Toán học HKIMO, Toán học FMO…

  Để có được thành tích này, không thể phủ nhận trình độ chuyên môn vững vàng, khả năng dẫn dắt những học sinh mũi nhọn của lớp qua nhiều năm của cô. Vừa dạy học, đảm bảo đúng tiến độ bài học, vừa quan tâm từ những học sinh yếu chậm đến những học sinh giỏi là sự cố gắng không ngừng của người giáo viên đứng lớp. Ngoài giờ dạy, cô tìm hiểu thêm ở các chuyên gia giảng dạy, học lại Tiếng Anh để dạy cho học sinh giải Toán Tiếng Anh, học các từ ngữ chuyên ngành. Kết hợp với vốn kiến thức Toán chắc, nhanh, cô thật sự đã tạo ra những thế hệ học trò được rèn giũa tôi luyện trong trường thi Quốc tế. 31 giải tuy chưa phải là một con số lớn nhưng nó thể hiện sự bản lĩnh, quyết tâm, ý thức kỷ luật và không lùi bước trước khó khăn, gian khổ của cô đã đạt được những mơ ước.Không chỉ thành công với công tác chuyên môn, cô cũng tích cực truyền đạt, dạy dỗ những bạn giáo viên mới vào nghề, cô cùng mọi người sửa giáo án, phân tích mổ xẻ đưa ra từng tình huống sao cho bài dạy thu được hiệu quả cao. Đặc biệt, cô luôn dặn các em - thế hệ kế cận của mình “Không được ngại khó, ngại khổ và ngại thay đổi”. Trong nhóm tổ, bạn đồng nghiệp nào chưa thật sự cố gắng, làm việc qua loa, đại khái cô phê bình thẳng thắn. Nhiều bạn trong nhóm tổ trêu cô là “Cô giáo ba Không”. Nhờ sự nghiêm khắc nhưng nhiệt tình, không xuề xòa, dễ dãi mà nhiều năm Tổ Bốn và tổ Năm mà cô công tác luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn kết, yêu thương và có một nền năng lực chuyên môn mạnh, đồng đều của trường Tiểu học Giáp Bát.

Trong cuộc sống đời thường, cô Huế lại về với vai trò người mẹ hiền, vợ đảm, con hiếu thuận. Hai cậu con trai nhiều năm liền đạt học giỏi, đạt giải cao các kì thi Toán - Tiếng Anh,  EILTS..Cậu con trai lớn còn biết bếp núc, đưa đón, chăm sóc em trai đảm nhiệm công việc nhà đảm đang ngoài giờ học và những khi bố đi công tác xa để mẹ yên tâm dồn hết thời gian vào công việc. Nhắc đến gia đình, ánh mắt cô giáo ngời lên niềm vui lấp lánh bởi người đem hạnh phúc đến với mọi gia đình thật xứng đáng được hưởng hạnh phúc tuy bình dị nhưng là tổ ấm mơ ước của bao người.

Một mùa hè nữa lại qua đi, giàn hoa giấy vẫn bình thản đứng nơi góc trường nhìn dòng đời xuôi ngược. Trong cái nắng gắt, trong mưa bão dữ dội, hoa chỉ uốn mình nhưng lại không hề gẫy, bật gốc. Hoa giấy tươi thanh mà bền bỉ lạ lùng. Giống như hình ảnh của các cô giáo cứ chắt lọc âm thầm trong lòng đất, hiến dâng cho đời những sắc lá xanh, sắc hồng của hoa. Với cô giáo Lê Thị Huế, cuộc sống đơn giản là được sống, được đam mê và cống hiến, để lại cho đời thật nhiều niềm vui, hạnh phúc bằng những nụ cười luôn nở trên môi các em học trò của mình, đơn giản vậy thôi!

Nguồn: trường TH Giáp Bát