chi tiết tìm kiếm
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/5/2024 của Hội đồng nhân dân quận Hoàng Mai về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, bổ sung danh mục dự án dự kiến đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công ngân sách Quận; Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 10/6/2024 của UBND phường Mai Động về việc phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư Dự án: Tu bổ, tôn tạo Đền Ba Cây, phường Mai Động.
Vừa qua, UBND phường Mai Động trang trọng tổ chức Lễ hạ giải Tu bổ, tôn tạo Đền Ba Cây, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đến dự buổi lễ có đồng chí Lê Thị Tuyết Hương - QUV - Bí thư Đảng uỷ khối Doanh nghiệp; đồng chí Nguyễn Thái Sơn - QUV - Trưởng phòng VHTT; đồng chí Vũ Tuấn Đạt - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất. Đại biểu phường Mai Động có đồng chí Đặng Thị Thanh Bình - Quận ủy viên - Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Thị Mai Lan - PBT thường trực Đảng ủy; đồng chí Trần Văn Vịnh - Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND và các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng uỷ, lãnh đạo UBND, UB MTTQ phường. Cùng các đồng chí trưởng các ban ngành đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, Tiểu ban quản lý di tích Mơ Táo và đại diện nhân dân khu dân cư 9, 10.
Thay mặt Ban Tổ chức buổi lễ, đồng chí Trần Văn Vịnh - Chủ tịch UBND phường báo cáo công tác tu bổ, tôn tạo Đền Ba Cây, phường Mai Động.
Đền Ba Cây nằm ở xóm Mơ Táo cổ, việc có tên là Đền Ba Cây là để nhắc đến ngày xưa trong đền có ba cây muỗm cổ thụ, linh thiêng do vậy tên của đền là Đền Ba Cây và giữ đến ngày nay Đền Ba Cây thờ Mẫu và Thủy tinh công chúa. Việc thờ mẫu cũng giống như các nơi khác ở nước ta, là tín ngưỡng thuần Việt.
Về thần Thủy tinh công chúa tên thật của bà là Hoàng Thị Chang con của tướng quân Hoàng Đình Vệ là công thần thời Lê Trung Hưng. Bà sinh vào thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), lúc đó cha của bà đang làm quan trong triều. Đê sông Hồng vỡ năm 1773 đến năm 1774 vẫn chưa khắc phục được, bà được bố mẹ xuất gạo xuống thuyền cùng gia nhân đến vùng Lư Giang để phát chẩn cứu dân. Không may gặp cơn bão năm Giáp Ngọ (1774) thuyền bị đắm bà bị nước cuốn trôi, năm đó bà mới 20 tuổi. Cảm động trước tấm lòng từ thiện của bà nhân dân trong vùng đã tạc tượng bà thờ ở Đền Lừ và Đền Ba Cây, Mai Động. Các triều vua đã phong cho bà là Thủy Tinh công chúa. Tại Đền còn lưu giữ hai tấm bia đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713) và năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744). Đây là cơ sở để đoán định năm xây dựng Đền. Trong Đền có đôi câu đối cổ cũng phản ánh lịch sử của Đền “Tiền Lê thắng tích thiên nhiên miếu - Cổ Động Mai Hoa tứ tự hương”.
Buổi lễ diễn ra trang trọng, trong không khí hân hoan, phấn khởi của chính quyền và người dân phường Mai Động, nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bởi Di sản văn hóa là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa.
PHƯỜNG MAI ĐỘNG