di tích lich sử văn hóa

Di tích chùa Triệu Khánh và những thông điệp qua một vài di văn hán nôm
Publish date 23/03/2022 | 16:23  | View count: 715

Chùa Triệu Khánh là một đi tích thuộc khu Thanh Lân, phường Thanh Trì. Chùa Triệu Khánh là di tích có lịch sử xây dựng lâu đời, những di văn hiện còn đã làm tăng giá trị cho di tích.

     1. Đôi nét về ngôi chùa Triệu Khánh.

     Chùa Triệu Khánh tọa lạc trên một vùng đất cổ có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, được xây dựng từ rất lâu đời để thờ Phật và còn hợp tự thờ Thành hoàng làng.

     Căn cứ bài văn khắc trên bia niên hiệu Cảnh Hưng 11 (1750) cùng bộ sưu tập di vật của chùa và khối kiến chúc vật chất hiện còn có thể đoán định niên đại của Chùa được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XVIII. Nội dung văn bia ghi rõ: “năm Ất Mùi (1715) sửa chữa Chùa; năm Quý Mão (1723) lập bia Bảo Thái; năm Đinh Mùi (1727) đúc tượng A di Đà”; tấm bia có niên đại Tự Đức 18 (1864) ghi: “năm Kỷ Tỵ đúc hai pho tượng đồng, bảy pho tượng gỗ để ở Chùa Triệu Khánh. Năm Bính Tuất sửa chữa lại cửa Tam quan bằng gỗ, mái lợp ngói đến năm Đinh Hợi thì làm xong”.

     Trước kia chùa Triệu Khánh có quy mô bề thế, cảnh quan đẹp với các công trình kiến trúc truyền thống như tam quan, chùa chính, nhà thờ tổ, nhà mẫu. Chùa được xây dựng trên một khu đất cao, xung quanh các công trình kiến trúc có nhiều cây xanh bao bọc và nhiều tháp cổ phía sau tạo thêm vẻ thanh u, tĩnh lặng.

     Hướng chính của Chùa quay về hướng tây, phía trước là một khoảng sân rộng, giữa xây bể nước non bộ. Phía trong sân là chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Nhà Tiền đường gồm bảy gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy hến, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa đắp nổi phù điêu mặt trời lửa. Mặt bằng nội thất 6 hàng chân cột gỗ, đặt trên chân tảng đá kiểu thắt cổ bồng, các thức vì kết cấu kiểu chồng rường, nền nhà nát gạch bát tràng.

     Trang trí tập trung vào các bức cốn mê, con rường với các đề tài quen thuộc như rồng ổ, rồng leo, thạch sùng cắn đuôi nhau; rồng nhả ngọc đáp cua; các phần họa tiết trang trí mang phong cách thời Lê được thể hiện rõ trên các đầu rồng được chạm kênh bong, chạm lộng trên các đầu dư. Mỗi đầu dư được thể hiện một tư thế, một dáng vẻ khác nhau tạo lên một vẻ đẹp vừa dữ dội vừa gần gũi với mọi người. Nét chạm mạch lạc, phóng khoáng, đề tài phong phú rất hiếm thấy ở các di tích khác quanh vùng.

     Tòa thượng điện năm gian xây chạy dọc về phía sau, một đầu nối liền với gian giữa nhà tiền đường, mái lợp ngói ta, cách thức vì mái làm kiểu chồng rường, trang trí trên kiến trúc đơn giản hơn so với nhà tiền đường.

     Hiện tại chùa Triệu Khánh có ba hệ thống tượng thờ là tượng Phật, tượng Hậu và tượng Mẫu. Ngoài ra còn có tượng Thành hoàng làng rước từ Đình về.

     Hệ thống tượng Phật khá đầy đủ và được bài trí theo quy định của đạo Phật. Tòa Phật điện gồm các tượng lớn: Bộ tượng Tam Thế Thường Tục Diệu Pháp Thân, Bộ tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Quan Âm Tọa sơn; bộ tượng Niêm Hoa (gồm tượng Thích ca Niêm hoa và hai vị Bồ tát); lớp thứ năm là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn; lớp thứ sáu là tượng Ngọc Hoàng hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu; lớp thứ bảy là tượng Thích Ca Cửu Long. Hai bên Phật điện là bộ tượng Thập Điện Diêm vương.

     Nhà tiền đường bên phải là ban thờ Thánh Tăng và hai vị thị giả, bên trái là ban thờ Đức Ông, sát ban thờ Đức Ông là ban thờ Mẫu và ban thờ Thành hoàng làng. Tượng hậu được thờ ở góc bên phải của Thượng điện.

     Hệ thống di vật văn hóa của Chùa lại được bảo quản lưu giữ khá tốt. Hiện nay Chùa còn bảo lưu bộ di vật gồm 30 pho tượng tròn được tạo tác rất công phu, tinh xảo và phủ sơn son thiếp vàng lộng lẫy mang giá trị nghệ thuật thể kỷ XVIII, XIX. Ba pho tượng Phật bằng đồng, 5 bức cửa võng chạm thủng các đề tài rồng ổ, phượng tứ quý (long, ly, quy, phượng), ngoài ra còn có các di vật khác như bát hương sứ, lọ hoa, cây đèn, di văn hán nôm…

     2. Một số di văn chùa Triệu Khánh

     Hiện nay chùa Triệu Khánh còn khoảng 40 đơn vị tài liệu hán Nôm với số lượng cụ thể: 9 văn bia, 01 chuông, 01 khánh, 01 sắc phong, 01 thần phả, 11 bức hoành phi và gần 20 cặp câu đối.

     Di văn hán nôm ở đây đều có niên đại khá sớm, có từ thời Lê trở về sau. Trong đó có một quả chuông niên đại Cảnh Thịnh 2 (1794) cả quai cao 1,28m, đường kính 0,63m; một Khánh đồng ngũ Nhạc Triệu Khánh tự đúc năm Thiệu Trị thứ hai (1842) dài 1,8m, rộng 0, 96m; 9 bia đá trong đó có tấm bia đá có niên đại sớm nhất là Cảnh Thịnh 11 (1750); một cây hương đá cao 1,7m, cạnh 0,23m dựng năm Bảo Thái 4 (1723); 5 bức cửa võng chạm thủng các đề tài rồng ổ, tứ quý (long, ly, quy, phượng) một số di văn tiêu biểu là:

     Thanh Trì xã bi văn (Bài văn bia của xã Thanh Trì): Đây là bia ghi lại công đức của người đã góp tâm tu sửa Chùa, trong đó có một bài minh ca ngợi. Bia soạn vào cuối năm Cảnh Hưng 11 (1750), nội dung như sau: “Từng nghe lời xưa nói rằng: chỉ có điều thiện là quý, chỉ có ân đức là không mòn. Cho nên người làm điều thiện, trồng cây đức thì bia miệng không mòn. Rốt cục đã cùng với kiếp sống mà tồn tại mãi mãi, hà tất phải khắc văn đục đá làm gì? Nhưng người được mang ơn nhuần thấm có thể nào lại không cảm khái chăng? Nên đưa cái công ấy, đức ấy mà cùng nhau trình bày trong khi bàn bạc nói chuyện là hơn. Nay hai vị hiền trí là ông họ Nguyễn, tự là Phúc Trinh, thụy là Thuần Hậu ở xã Trinh Nữ, huyện Yên Mô và bà họ Giang hiệu là Diệu Hoan ở xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, tác hợp tự trời đất thành gia đình. Việc người làm hết mà ý trời trở lại, tước của người được tu sửa mà tước trời sẽ đến. Đức vọng tôn ông là từ chức lên chức Tự Thừa, từ Tự Thừa lên Đổng Tri phủ và Châu Phiên tại quận Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, coi là sao phúc chiếu rọi. Danh tiếng của tôn bà là Từ thị lên Thị trù, từ Thị trù lên Mai Quan thọ hầu, nơi màn gấm cửa vàng; thường xuyên được tiếp xúc nơi cung cấm cửu trùng. Tính cách của bà vốn tường phúc đức mà lại biết tu dưỡng bằng lòng nhân ái, mở rộng việc tích đức, ban phát tiền của hậu trì cho khắp các bạn bè, thân thích, khóe mở rộng việc làm của mình, ban phát đầy huệ lớn cho làng xóm. Nhìn thấy thì thương mà cứu giúp những kẻ gặp nguy khốn. Già trẻ trong làng xóm nếu như bị khốn đốn thì lao ra bảo vệ, nếu như thiếu thốn thì chuẩn cấp cho cái ăn, cái mặc. Cờ nghê mây từ cùng che bóng cho cả một ấp. Bà không chỉ ban điều thiện đến với người, lại làm phúc để lại cho đời sau. Năm Ất Mùi bỏ của riêng ra sửa chữa lại chùa Triệu Khánh của xã, thợ giỏi tụ tập mà chạm khắc xà, cột. Chùa Phật thoắt cái trở thành tịnh thổ thiền nhiên. Năm Đinh Mão, bỏ tiền nhà đúc tượng Di đà cho bản chùa. Phúc lớn tròn đầy mà hình mạo kim thân in như Đức Phật sống ở Tây phương. Điều đó thực là đại từ, đại bi, đại lượng, đại đức độ. Người ấy, đức ấy chẳng phải là Phật ở trong cõi người chăng? Than ôi tàng giữ màu son thì đỏ, ăn cây bách thì thơm, nhà tích thiện thì tất tất không có thừa phúc. Mà nay con tốt, cháu giỏi tốt tươi thịnh vượng. Đó là cái kết quả đưa đến của việc làm thiện vậy. Nhưng mà sự bố thí cho người thì rộng, cái xúc cảm thì sâu xa, nên tình tưởng nhớ, đội ơn không thể dừng được. Do đó mọi người trên dưới trong xã, muôn người cùng một lời sẽ báo đáp đức dày của hai vị, cùng đưa lên phối hưởng nơi cửa thiền. Bấy giờ các đệ tử có hai sào ruộng, vẫn luôn phiên cày cấy để làm ruộng cúng, hàng năm chia ra, vào các ngày giỗ, ngày lễ tiết điều hòa cho đủ các nghi lễ. Mặt trời mặt trăng chiếu soi mãi mãi, biển trời sông núi không hề thay đổi. Để biểu dương việc làm thiện, để cho đời sau được thấy rõ, bèn khắc vào đá để truyền lại lâu dài.

Bài minh rằng:

Ông lớn ở Yên Mô

Bà hiền ở Thanh Trì

Tâm hình theo với hình hài

Cứu người ban ơn vật

Mỹ hạnh tốt đẹp thay

Đức âm trong trẻo quá

Trùng tu thành qủa phúc

Duyên lành tất được tròn

Dòng nước trong lững lờ

Trái núi cao chót vót

Người mà được như thế

Là Phật trong cõi người

Tuổi thọ của tôn ông

Là năm mươi chín tuổi

Ngày 25 giữa xuân

Vừa gặp đúng ngày giỗ

Tôn bà hưởng số tuổi

Là sáu mươi bảy năm

Ngày 12 giữ hạ

Tuổi thọ vừa tròn đầy

Ưu bát sinh ra hoa

Bồ đề kết thành quả

Dòng dõi mãi thịnh vượng

Phúc truyền luôn tràn đầy

Tên tuổi ở cùng thiền

Tinh thần chơi đâu suốt

Người người đều tưởng nhớ

Muốn nêu gương ông bà

Đá cứng khắc mẫu mực

Để lâu dài nhà Phật.

     * Tấm bia Pháp hoa tự, Triệu Khánh tự, Phúc am tự bi ký (Bia ghi chép về chùa Pháp Hoa, Triệu Khánh, Phúc Am). Đây là văn bia ghi lại công lao của sư trụ trì trong việc tu sửa ba ngôi chùa trong vùng cùng một lúc. Văn bia ghi:

     Họ Nguyễn ở thôn Thượng, trại An Lãng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, sinh năm Canh Dần. Năm Quý Sửa mới 29 tuổi vào xã Thanh Trì, trụ trì ở chùa Pháp Hoa, mới có một gian hai chái, lợp cỏ hồng sắc. Năm Kỷ Mùi thu tập của đóng góp để sửa thành 10 gian 2 chái lợp cỏ. Năm Canh Thân làm 22 pho tượng gỗ, thân tô toàn sắc kim. Năm Quý Hợi sửa sang lại thượng điện của chùa Triệu Khánh. Năm Kỷ Tỵ đúc hai pho tượng đồng, 7 pho tượng gỗ ở chùa Triệu Khánh, Phúc Am, đều sắc kim. Năm Mậu Dần trao cho đệ tử là Tùng trông coi mọi việc của cả 3 chùa. Từ đó Tùng một lòng thờ phụng. Vào năm Kỷ Mão, Tùng sửa chữa lại chùa Phúc Am. Năm Tân Tỵ, người thông Dương Lão hiệu là Thị Trùng, Thị Trọng tự nguyện cúng một quả chuông đồng cao một thước tấc, đem treo ở chùa Pháp Hoa. Năm Quý Mùi, sửa sang lại chùa Pháp Hoa gian hai khoảnh bằng gỗ lợp ngói. Năm Bính Tuất, sửa sang lại cửa Tam quan chùa Triệu Khánh bằng gỗ lợp ngói. Năm Đinh Hợi làm xong cho đến nay.

Thiên tử ức năm

Phúc nhiều vô kể

Chúa thượng muôn đời

Phúc truyền con cháu…

     Cùng với các thông điệp của các tấm bia, chùa Triệu Khánh còn có những câu đối hay ca ngợi cảnh đẹp, vị thế của ngôi chùa. Đó là những tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu không chỉ về chùa Triệu Khánh mà cả về mảnh đất, con người Thanh Trì nơi những đặc sản đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Hiện nay chùa Triệu Khánh đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1991./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận