Phổ biến giáo dục pháp luật

Căn cứ pháp lý - Cơ sở để kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Ngày đăng 05/03/2021 | 11:14

Căn cứ pháp lý được xem là cơ sở để kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản. Khi tiến hành kiểm tra một văn bản QPPL, người có thẩm quyền kiểm tra sẽ xem xét nội dung của văn bản được kiểm tra với những văn bản là căn cứ pháp lý để ban hành văn bản đó làm cơ sở để đối chiếu, so sánh nhằm xác định nội dung của văn bản được ban hành có phù hợp với Hiến pháp, Luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên

     Trong quá trình kiểm tra văn bản, căn cứ vào những văn bản làm cơ sở pháp lý người có thẩm quyền kiểm tra văn bản tìm hiểu xem văn bản được ban hành đó có căn cứ pháp lý cho việc ban hành không? Trường hợp đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản được kiểm tra không đúng với quy định trong các căn cứ pháp lý để ban hành văn bản, điều đó có nghĩa rằng việc quy định nội dung đó là không có căn cứ pháp lý. 

     Đối với trường hợp sử dụng căn cứ pháp lý không đúng như: viện dẫn căn cứ pháp lý không liên quan đến nội dung của văn bản, viện dẫn căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực cũng không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản.

     Bên cạnh đó căn cứ pháp lý còn là cơ sở để xác định việc văn bản đó được ban hành có đúng thẩm quyền không? 

     Căn cứ pháp lý, cơ sở để kiểm tra nội dung của văn bản được ban hành có đúng và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hay không? Điều đó có nghĩa là nội dung quy định trong văn bản đó phải phù hợp với quy định trong các căn cứ pháp lý làm cơ sở để ban hành văn bản đó. Cụ thể trong quá trình kiểm tra người có thẩm quyền kiểm tra văn bản xem xét, đối chiếu, xem nội dung của văn bản được ban hành có phù hợp với quy định pháp luật, quy định của cơ quan nhà nước cấp trên không? Để từ đó đưa ra kết luận về việc văn bản đó được ban hành có đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp hay không? 

     Bên cạnh đó, căn cứ pháp lý còn là cơ sở để xem xét, đánh giá, kiểm tra việc áp dụng văn bản QPPL trong ban hành văn bản QPPL. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xác định, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp, tính chính xác của văn bản, là cơ sở để kết luận việc áp dụng văn bản QPPL đã đúng chưa? đã chính xác chưa? đã đảm bảo đúng nguyên tắc áp dụng văn bản QPPL và thứ bậc hiệu lực pháp lý chưa? Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để ban hành văn bản QPPL được kiểm tra có quy định khác nhau về cùng một vấn đề (có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên) thì khi đó người kiểm tra văn bản sẽ căn cứ vào nguyên tắc áp dụng văn bản QPPL và thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản QPPL để kiểm tra xem văn bản được kiểm tra đó có áp dụng quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn không? Ví dụ, khi kiểm tra một Quyết định của UBND mà thấy giữa nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở pháp lý để kiểm tra quyết định đó có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định của nghị định. Khi kiểm tra một nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện mà thấy giữa quyết định của Thủ tướng Chính phủ và pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm cơ sở pháp lý để kiểm tra nghị quyết đó có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của pháp lệnh.

     Mặt khác trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Đối với văn bản do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến vấn đề đó. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

     Từ những phân tích trên cho thấy căn cứ pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản QPPL. Đặc biệt trong quá trình kiểm tra văn bản, căn cứ pháp lý đóng một vai trò hết sức quan trọng, là cơ sở để kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp, tính chính xác của văn bản. Chính vì vậy việc kiểm tra văn bản phải được tiến hành định kỳ, thường xuyên, nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ. Nhờ đó, chất lượng văn bản QPPL ngày càng được nâng lên, các văn bản QPPL được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất cao, phù hợp với các văn bản của cấp trên cũng như tình hình thực tiễn tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận