Phổ biến giáo dục pháp luật
Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình thực thi pháp luật. Việc áp dụng văn bản QPPL đúng nguyên tắc, phù hợp sẽ dẫn đến kết quả xử lý công việc được chính xác và ngược lại, nếu áp dụng văn bản QPPL sai nguyên tắc thì sẽ dẫn đến sai sót, làm ảnh hưởng đến đối tượng bị áp dụng văn bản QPPL. Do vậy, việc nghiên cứu kỹ các nguyên tắc áp dụng văn bản QPPL là một điều cần thiết đối với các chủ thể áp dụng văn bản QPPL
Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 quy định việc áp dụng văn bản QPPL như sau:
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.
Từ quy định này, có thể hiểu việc áp dụng văn bản QPPL theo nguyên tắc như sau:
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định tại Điều 151 của Luật Ban hành văn bản QPPL 2015,được Sửa quy định về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL, cụ thể:
- Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn:
+ 45 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương.
+ 10 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh.
+ 07 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã.
- VBQPPL ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua/ký ban hành, đồng thời phải được:
+ Đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành.
+ Đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
+ Đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố/ký ban hành với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương;
Hoặc đăng công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh.
Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Việc xác định thứ bậc văn bản QPPL căn cứ vào Điều 4 Luật Ban hành văn bản QPPL, theo đó, thứ tự văn bản từ cao xuống thấp là: Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;…Ví dụ: giữa Luật và Pháp lệnh cùng quy định về một vấn đề nhưng có sự khác nhau thì ưu tiên áp dụng Luật.
Thứ ba, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Thứ tư, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.