Phổ biến giáo dục pháp luật

Cải cách tư pháp: Bước chuyển mạnh mẽ của các cơ quan Tư pháp
Ngày đăng 26/03/2021 | 16:35

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong những năm qua, nền tư pháp Việt Nam đã có bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực. Đây là một trong những bước quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhằm mục tiêu tối thượng là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

     Quá trình tiến hành tố tụng, không chỉ các cơ quan tư pháp mà cả các bị cáo, các luật sư đã có những chuyển biến rõ rệt về cả nhận thức và hành động. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm thời gian gần đây.

     Theo Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chủ trương cải cách tư pháp của Ðảng đã thật sự đi vào đời sống, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.

     Hoạt động tư pháp đã góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

     Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế hình sự, dân sự, thủ tục tư pháp; cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các thiết chế bổ trợ tư pháp mà trung tâm là tòa án và khâu đột phá là tăng cường tranh tụng dân chủ; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

     Để đạt được điều này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải có sự thay đổi quyết liệt trong nhận thức cũng như hành động, từ quá trình thu thập chứng cứ đến việc phân tích, nhận định hành vi đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, những hoạt động này được tiến hành một cách thận trọng, chặt chẽ, góp phần giảm oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm.

     Ở mỗi giai đoạn tố tụng, các cơ quan tư pháp đã có những bước đi riêng, phù hợp với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn. Cơ quan điều tra tiến hành xử lý kịp thời, thận trọng, nghiêm minh các loại tội phạm. Viện Kiểm sát thực hiện tích cực công tác phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Tòa án đẩy mạnh cải cách tư pháp qua hoạt động tranh tụng công khai tại phiên tòa không hạn chế thời gian và số lần các bên tham gia đối đáp; đa dạng các biện pháp chứng minh hành vi vi phạm qua các hình thức công bố lời khai, trình chiếu chứng cứ ngay tại phiên tòa.

     Trong tố tụng hình sự, việc quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án khi có những dấu hiệu phạm tội là thuộc về quyền và trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Quyết định này được xuất phát từ lợi ích của Nhà nước và xã hội (lợi ích công) mà không phụ thuộc vào ý chí và lợi ích của tổ chức, cá nhân riêng rẽ nào.

     Cơ quan có thẩm quyền tố tụng tiến hành khởi tố vụ án, làm khởi động cơ chế truy cứu trách nhiệm hình sự, thực hiện trách nhiệm công khai của Nhà nước, áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước theo những thủ tục bắt buộc chung nhằm duy trì pháp chế, trật tự pháp luật và công lý. Vấn đề đặt ra là khi trao quyền lực cho các cơ quan tố tụng như vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, nhằm ngăn chặn sự lợi dụng quyền lực để thực hiện hành vi sai trái vì mục đích riêng.

     Đối với việc kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc lại “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế.” Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hoạt động của 3 cơ quan tố tụng: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật.

     Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, có mặt trong các buổi hỏi cung của cơ quan điều tra, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án, kiểm sát việc xét xử vụ án.

     Cơ quan Tòa án là “chốt chặn” việc bỏ lọt tội phạm, phòng ngừa oan sai thông qua việc tăng cường tranh tụng công khai tại phiên tòa, đảm bảo quyền bình đẳng cho các bên tham gia tố tụng, cân nhắc toàn diện các chứng cứ, tài liệu tại phiên tòa. Qua đó, đảm bảo sự bình đẳng của các bên trong tố tụng hình sự, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, cảm hóa và tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức pháp luật của các bị can, bị cáo trong quá trình tiến hành tố tụng.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận