Phổ biến giáo dục pháp luật
Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật là kết quả của sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật đến các quan hệ xã hội so với các yêu cầu, mục tiêu khi ban hành văn bản đó. Nếu như hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật thể hiện thuộc tính của các quy phạm pháp luật, thì hiệu quả của một văn bản quy phạm pháp luật lại là những gì mà văn bản đó có thể đem lại trong cuộc sống, là kết quả của sự tương tác giữa pháp luật và xã hội, bởi chức năng chính của pháp luật là điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến mối quan hệ giữa pháp luật và xã hội. Đây không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà bao trùm cả vấn đề xã hội có liên quan. Pháp luật thuộc phạm trù lý thuyết và xã hội thuộc phạm trù thực tiễn. Pháp luật được hình thành từ nhu cầu thực tiễn, nhưng không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực tiễn. Giữa lý thuyết và thực tiễn luôn tồn tại khoảng cách. Khoảng cách này sẽ ngày càng rộng nếu pháp luật không xuất phát từ nhu cầu của xã hội, không phản ánh đúng các giá trị của cuộc sống. Pháp luật cần phải được đánh giá trong mối quan hệ với hành vi, xử sự của các chủ thể, cũng như trong sự chuyển động và phát triển của xã hội. Sự hình thành, phát triển của pháp luật phải được đánh giá trong một xã hội nhất định, xã hội này quyết định sự tồn tại trong không gian cũng như về thời gian của pháp luật. Do vậy, có thể nói, thực tế chính là thước đo kiểm nghiệm hiệu quả của pháp luật.
Hiệu quả của một văn bản quy phạm pháp luật thể hiện sự phản ánh của dư luận xã hội về văn bản đó. Thực tế, tác động của dư luận xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức pháp luật, đến tâm lý pháp luật của người dân, từ đó tác động đến hiệu quả của quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật không hiệu quả sẽ tạo ra khoảng cách giữa pháp luật và người dân. Nếu khoảng cách này càng lớn, thì nguy cơ không tôn trọng pháp luật càng cao, bởi vì pháp luật không phù hợp với tâm lý pháp lý trực cảm của đa phần dân chúng.
Như vậy, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật chính là tiêu chí cần thiết đểđánh giá ý nghĩa của sự tồn tại hay giá trị của văn bản đó. Giá trị của một văn bản quy phạm pháp luật được đánh giá qua những tác động cụ thể của nó vào thực tiễn các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh và những tác động này được xem xét trong mối tương quan với các mục tiêu đặt ra cho văn bản.
Để văn bản quy phạm pháp luật đạt được hiệu quả mong muốn, cần phải coi trọng thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải chú ý đến là tính hợp pháp, tính thống nhất, tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật. Tính hợp pháp, hợp lý và thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể được đảm bảo khi công tác xây dựng, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện.
Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật cần phải đảm bảo được khả năng tiếp cận của quần chúng nhân dân. Để đảm bảo cho công dân được chủ động tiếp cận thông tin, cơ quan nhà nước phải chủ động công bố công khai những trình tự thủ tục rõ ràng thuận tiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được thông tin khi có nhu cầu.
Thứ ba, liên quan đến các cơ quan thực thi pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực cao khi được các cơ quan thực thi thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để việc áp dụng luật. Các cơ quan này cần phải được trang bị không chỉ về cơ sở pháp lý, mà còn cả cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân sự để đảm bảo việc thực hiện pháp luật ở mọi cấp độ.
Thứ tư, văn bản quy phạm pháp luật cần phải nêu rõ mục tiêu và có sự thống nhất giữa các mục tiêu được nêu.