Phổ biến giáo dục pháp luật
Theo quy định của Luật LLTP, mục đích quản lý LLTP là nhằm:
Một là, đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Hai là, ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
Ba là, hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
Bốn là, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Để bảo đảm các mục đích quản lý LLTP nêu trên, một trong những nguyên tắc quản lý LLTP là “Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”.
Hiện nay liên quan đến bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật Việt Nam công nhận và quy định không chỉ trong Luật LLTP mà còn ở rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015(được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016.
Tuy nhiên, hiểu thế nào là “bí mật đời tư” thì hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra khái niệm, giải thích từ ngữ cho cụm từ này. Liên quan đến vấn đề này hiện chỉ có các văn bản giải thích cho cụm từ như “thông tin cá nhân” hay “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em”. Theo đó, “Thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật”. “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”.
Theo quy định của Luật LLTP, có hai loại phiếu LLTP: Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. So với Phiếu LLTP số 1, Phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ các thông tin của cá nhân, bao gồm các thông tin về án tích (đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã(Phiếu LLTP số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa (những án tích đã được xóa không ghi vào Phiếu LLTP số 1. Phiếu LLTP số 1 cũng không ghi thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu).
Do nội dung Phiếu LLTP số 2 có sự khác biệt so với Phiếu LLTP số 1 và do tính chất đặc thù của việc cấp Phiếu LLTP số 2 theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình” nên Luật LLTP quy định chặt chẽ về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân. Theo đó, trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu LLTP. Trong khi đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP.Bên cạnh quy định chặt chẽ về cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân như đã nêu trên, theo quy định của Luật LLTP, Phiếu LLTP số 2 còn được cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Như vậy, có thể thấy, quy định của Luật LLTP về Phiếu LLTP số 2 và nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân” được tiếp cận, nhìn nhận dưới góc độ các thông tin của cá nhân cần thiết được giữ kín, không công khai cho người khác biết. Mục đích cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân là để người đó biết được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) đang lưu trữ những thông tin LLTP nào của bản thân, không nhằm phục vụ các yêu cầu của cá nhân tham gia các quan hệ pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác - cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.