Phổ biến giáo dục pháp luật

Khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích trong công tác lý lịch tư pháp
Ngày đăng 03/11/2021 | 14:17

Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, Sở Tư pháp thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích đối với tất cả các trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thông tin án tích. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp khi nhận được hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp với mục đích xóa án tích thì ngoài việc xác minh về việc thi hành xong bản án, cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nhiệm vụ xác minh người bị kết án “không có hành vi phạm tội mới”.

     Thực tiễn thực hiện pháp luật lý lịch tư pháp liên quan đến vấn đề xóa án tích cho các trường hợp đương nhiên được xóa án tích trong những năm qua, bên cạnh những thuận tiện cho người dân và tính hợp lý trong quy định của pháp luật liên quan vì mục tiêu phục vụ nhân dân thì việc thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

     Hiện nay, việc xác minh người bị kết án chấp hành xong hay chưa chấp hành xong bản án gặp một số khó khăn sau:

     Thứ nhất, không có thông tin về quá trình thi hành án.

    Thứ hai, việc chấp hành hình phạt chính: Thực tiễn xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích cho thấy nhiều trường hợp người bị kết án và bị tuyên phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, kết quả xác minh tại các cơ quan có liên quan cho thấy đương sự đã thi hành xong các quyết định khác trong bản án hình sự (có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) nhưng không có hoặc không còn lưu giữ giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù. Mặt khác, đương sự cũng đủ điều kiện về mặt thời gian để không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc không có thông tin về việc chấp hành xong hình phạt chính của đương sự là một khó khăn khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

     Thứ ba, việc chấp hành hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự, án phí theo quy định của Luật Thi hành án dân sự: Theo khoản 1 Điều 30, điểm c khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2020), trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Hết thời hiệu này, cơ quan thi hành án dân sự sẽ từ chối yêu cầu thi hành án.Tuy nhiên, có nhiều khó khăn trong việc chứng minh, lấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về những trở ngại do bản án đã quá lâu, do sự thay đổi về đơn vị hành chính, con người; hoặc không có khả năng, điều kiện để thi hành, trình độ hiểu biết pháp luật kém, người được thi hành án không có yêu cầu thi hành…

     Thứ tư, việc thi hành án dân sự trong bản án hình sự đối với những án tích có trước thời điểm Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 được ban hành: Hiện nay, đối với các bản án có trước năm 2004, việc thi hành án phí là do Tòa án thực hiện. Một số Chi cục Thi hành án dân sự từ chối thụ lý đối với nghĩa vụ thi hành án phí, tịch thu sung quỹ nhà nước đối với những án tích có trước thời điểm Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 được ban hành với lý do thời điểm đó Tòa án là cơ quan có thẩm quyền thi hành các nghĩa vụ trên, không phải trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự mặc dù người phải thi hành án chủ động đề xuất thi hành án để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

     Thứ năm, đương sự chưa thi hành án do lỗi của cơ quan nhà nước: Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án đã xét xử sơ thẩm có kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, do sơ suất, Tòa án đã xét xử sơ thẩm không chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm nên tính đến nay, vụ án chưa được xét xử theo trình tự phúc thẩm, đương sự chưa thi hành án. Do vậy, lúng túng không biết phải cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho đương sự là có án tích hay không có án tích.

     Trường hợp Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định ủy thác thi hành án một thời gian rất dài (nhiều năm) nhưng Tòa án được ủy thác không nhận được quyết định nên không ra quyết định thi hành án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án”. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp Tòa án được ủy thác không nhận được văn bản ủy thác, dẫn đến việc người bị kết án chưa thể thi hành hình phạt ngoài tù hoặc án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Trường hợp này cũng gây khó khăn cho trong việc xác định điều kiện đương nhiên được xóa án tích của đương sự.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận