Phổ biến giáo dục pháp luật
Trợ giúp pháp lý là một trong những công việc để thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Nhà nước giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế khác hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, qua đó góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Trợ giúp pháp lý là một trong những công việc để thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Nhà nước giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế khác hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, qua đó góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế. Chính sách xuyên suốt của Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý là "Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước”. Để triển khai hoạt động có hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện người thuộc diện trợ giúp pháp lý rất rộng (14 nhóm đối tượng) đòi hỏi các nguồn lực không nhỏ bao gồm nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trong khi đó nguồn nhân lực và tài chính của Nhà nước có hạn, Nhà nước cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động này.
Quy định của pháp luật về huy động nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý
1. Quy định về chính sách thu hút xã hội tham gia trợ giúp pháp lý: Điều 4 đã dành 2 trong tổng số 4 chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý để thể hiện định hướng thu hút nguồn lực xã hội tham gia công tác trợ giúp pháp lý, đó là:
- Nhà nước có chính sách nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý (khoản 3).
- Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý (khoản 4).
2. Đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Về tổ chức: Theo quy định hiện nay thì các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: (1) tổ chức hành nghề luật sư và (2) tổ chức tư vấn pháp luật.
Về cá nhân: Cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: (1) Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; (2) luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; (3) Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; (4) cộng tác viên trợ giúp pháp lý (khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý 2017).
3. Quy định thù lao thực hiện vụ việc của tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý: Một trong những chính sách để khuyến khích sự tham gia tích cực của người thực hiện TGPL, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là quy định thù lao cho luật sư thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật. Mức thù lao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn được quan tâm và thay đổi phù hợp với việc điều chỉnh lương tối thiểu, tăng chỉ số giá tiêu dùng. Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và nay là Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Các văn bản này đã có quy định tăng mức thù lao, bồi dưỡng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý.
4. Thủ tục tham gia trợ giúp pháp lý được nghiên cứu theo hướng đơn gian, thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý: Thông tư số 03/2021/TT-BTP sửa đổi Thông tư số 08/2017/TT-BTP hướng dẫn Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL; Thông tư số 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó đã có những quy định tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý.
5. Huy động nguồn đóng góp tài chính của xã hội cho hoạt động trợ giúp pháp lý: Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 xác định nguồn tài chính cho công tác TGPL, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
6. Huy động thông qua sự phối hợp với các tổ chức: Bên cạnh đó, để đẩy mạnh đa dạng hóa chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã ký kết với các chương trình phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023 (Số 2727/CTPH-BTP-HLGVN ngày 25/7/2018), với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2022 (số 4144/CTr-BTP-TWĐTN ngày 29/10/2018)... trong đó có phối hợp trong việc thông tin, giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Như vậy, có thể thấy các biện pháp thu hút các tổ chức xã hội tham gia trợ giúp pháp lý vừa nhằm giúp đa dạng hóa các chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý vừa tạo nhiều kênh để người dân có thể tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đây cũng là một trong những giải pháp để xã hội có thể tham gia rộng rãi hơn, có trách nhiệm hơn đối với hoạt động này. Việc đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ với các cơ chế này sẽ thu hút và lựa chọn được các tổ chức có các điều kiện đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, nâng cao trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và sử dụng có hiệu quả kinh phí của Nhà nước.