Phổ biến giáo dục pháp luật

Xử lý tài sản sau cưỡng chế vi phạm hành chính
Ngày đăng 10/12/2021 | 10:44

Khi cưỡng chế mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không phối hợp trong việc nhận lại tài sản thì xử lý tài sản sau cưỡng chế vi phạm hành chính (cưỡng chế phần biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính) như thế nào.

     Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựngtrái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.Như vậy, chỉ những tài sản không thuộc đối tượng bị cưỡng chế thì mới yêu cầu người có tài sản di chuyển ra khỏi khu vực cưỡng chế còn đối với những công trình vi phạm như nhà ở riêng lẻ, công trình khác thì sẽ bị áp dụng biện pháp phá dỡ, buộc khôi phục tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra.

     Trường hợp cá nhân, tổ chức từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

     Như vậy, trước khi thực hiện cưỡng chế, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì cưỡng chế phải có kế hoạch, phương án cụ thể về địa điểm, cơ quan được giao nhiệm vụ bảo quản tài sản hoặc hợp đồng trước với đơn vị có đủ điều kiện để bảo quản tài sản nhằm chủ động khi thực hiện cưỡng chế.

     Khi kiểm kê tài sản hết sức lưu ý đối với các con vật nuôi như gà, heo, bò, trâu…thì cần phải cân trọng lượng, xác định rõ là heo giống, bò giống hay là bò thịt. Trường hợp không cân được tại hiện trường thì ước lượng đề ghi vào biên bản nhưng khi đưa vào nơi nuôi giữ phải cân trọng lượng để sau này nếu có phát sinh khiếu nại, khiếu kiện có cơ sở để xác định thiệt hại.

     Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.

     Tóm lại, trước khi tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành biện pháp buộc khắc phục hậu quảthì cần phải có kế hoạch, phương án cụ thể, trong đó có nội dung cơ quan, đơn vị, địa điểm bảo quản tài sản nếu cá nhân, tổ chức không chịu nhận tài sản khi cưỡng chế. Và trong quá trình cưỡng chế việc kiểm kê tài sản phải lập thành biên bản ghi rõ số lượng, tình trạng, chủng loại từng tài sản để tránh khiếu nại, khiếu kiện sau này, bởi vì nếu ghi không rõ tình trạng, chủng loại hay số lượng thì sau này không có cơ sở để trả lại cho cá nhân, tổ chức cũng như tránh được tình trạng giữ đồ cũ, trả đồ mới.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận