Phổ biến giáo dục pháp luật
Chính sách bình đẳng giới của Nhà nước ta, quy định nam, nữ có quyền bình đẳng như nhau trong mọi lĩnh vực và Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho việc thực hiện bình đẳng giới. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định đối với hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải thể hiện sự trung tính về giới, bảo đảm sự bình đẳng về giới trong lựa chọn, bầu hòa giải viên; trong quyền, nghĩa vụ của các hòa giải viên cũng như trong việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải.
Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong tổ chức của tổ hòa giải ở cơ sở, theo quy định, mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Trên thực tế, việc có hòa giải viên nữ trong thành phần tổ hòa giải đã góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm cho nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong hoạt động hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cộng đồng dân cư.
Nguyên tắc bình đẳng giới được thể hiện trong các quy định đối với các bên được hòa giải. Các bên với tư cách thành viên gia đình hoặc cá nhân được hòa giải đều có quyền, trách nhiệm như nhau trong quá trình hòa giải, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Các bên có quyền yêu cầu, lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải; đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.
Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc bảo đảm bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ. trong quá trình hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, nhất là mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, các hòa giải viên đã góp phần tích cực bảo vệ quyền của phụ nữ trong quan hệ xã hội nói chung và quan hệ hôn nhân - gia đình nói riêng. Đồng thời, thông qua đó đã tích cực tuyên truyền, động viên các thành viên trong gia đình không ngừng phát huy những giá trị đạo đức truyền thống như sự yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, kính trên nhường dưới, đối xử công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới.