Phổ biến giáo dục pháp luật

Mối quan hệ giữa tổ chức thi hành Pháp luật và một số hoạt động có liên quan
Ngày đăng 17/12/2021 | 11:24

Mối quan hệ giữa tổ chức thi hành Pháp luật và một số hoạt động có liên quan

     1. Mối quan hệ giữa “tổ chức thi hành pháp luật” với “thi hành pháp luật”

     Với một cơ quan hành chính nhất định, khi thực hiện tổ chức thi hành pháp luật, cơ quan hành chính cũng thường phải thực hiện cả hoạt động “thi hành pháp luật”. Do vậy, với cơ quan hành chính nhà nước, “thi hành pháp luật” được xem là nằm trong hoạt động “tổ chức thi hành pháp luật”. Tuy nhiên, bản thân thuật ngữ “tổ chức thi hành pháp luật” còn mang hàm ý tổ chức môi trường, điều kiện, tiền đề để các chủ thể khác thi hành pháp luật. Chính vì thế, có những hoạt động tổ chức thi hành pháp luật không được xem là “thi hành pháp luật” của chính bản thân mình, mà cần được xem là tạo tiền đề để chủ thể khác thi hành pháp luật. Chẳng hạn, việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cơ quan đăng ký kinh doanh để các doanh nghiệp, người dân tiến hành hoạt động thành lập doanh nghiệp mới và đăng ký kinh doanh là hoạt động mang tính “tổ chức thi hành pháp luật”.

     2. Tổ chức thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật

     Có thể thấy rằng, nếu tổ chức tốt hoạt động thi hành pháp luật, thì chính đây lại trở thành môi trường, là phép thử về tính “đúng đắn” của pháp luật. Điều này có nghĩa rằng, tổ chức thi hành pháp luật có thể trở thành môi trường tạo ra các thông tin đầu vào quan trọng để tiến hành các hoạt động xây dựng pháp luật. Hay nói cách khác, giữa “tổ chức thi hành pháp luật” và “xây dựng pháp luật” có mối quan hệ rất biện chứng và mật thiết với nhau. Kết quả đầu ra của “xây dựng pháp luật” là “đầu vào” của hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, và “kết quả đầu ra” của hoạt động tổ chức thi hành pháp luật có thể trở thành “đầu vào” của hoạt động xây dựng pháp luật. Ngoài ra, ở tầm cao nhất, chủ thể của hoạt động xây dựng pháp luật (nhất là chủ thể của hoạt động lập pháp - Quốc hội) luôn đóng vai trò giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan hành chính ngang cấp. Việc tổ chức thi hành pháp luật không đầy đủ có thể là căn cứ để quy trách nhiệm cho cơ quan hành chính phụ trách địa bàn/lĩnh vực để xảy ra tình trạng thi hành pháp luật không nghiêm. Sự không nghiêm trong thi hành pháp luật có thể biểu hiện rất đa dạng như: buông lỏng quản lý, không thanh tra, kiểm tra thường xuyên, không phát hiện được vi phạm (để tình trạng vi phạm ẩn quá nhiều) hoặc phát hiện được vi phạm nhưng quá chậm trong xử lý hoặc xử lý không đầy đủ, xử lý không nghiêm.

     3. Tổ chức thi hành pháp luật với theo dõi thi hành pháp luật

     Cần xem theo dõi thi hành pháp luật cũng là một trong những hoạt động cụ thể của tổ chức thi hành pháp luật. Theo dõi thi hành pháp luật là hoạt động cần thiết để giúp cho chủ thể tổ chức thi hành pháp luật nắm bắt được tiến trình và kết quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật do mình thực hiện, từ đó có những ứng xử phù hợp. Tổ chức thi hành pháp luật mà không có hoạt động theo dõi thi hành pháp luật thì có thể làm cho chủ thể tổ chức thi hành pháp luật thiếu một kênh thông tin quan trọng để có phản ứng chính sách phù hợp.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận