Phổ biến giáo dục pháp luật
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rộng khắp thế giới nói chung và tới Việt Nam nói riêng. Vì vậy, việc xác định rõ trách nhiệm của nhà nước và bổn phận của công dân trong việc phòng, chống đại dịch này là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch hiệu quả.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống đại dịch.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bên cạnh những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp mà con người đang thường xuyên phải đối mặt như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm môi trường… thì bệnh dịch cũng là kẻ thù vô cùng đáng sợ đối với con người trên trái đất. Những căn bệnh nguy hiểm chết người đang xuất hiện nhiều và lây lan nhanh trên khắp thế giới là một trong những hiểm họa đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Ở nước ta, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm là vấn đề cấp bách của xã hội, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như sự chung tay góp sức của toàn dân.
Hiện nay, đại bệnh COVID-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu với diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống của các tầng lớp Nhân dân. Đảng, Nhà nước đều xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân. Do đó, việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước hay cá nhân, tổ chức nào mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và điều này cũng được quy định rõ trong quy định của pháp luật: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước; các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thì có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài tại Việt Nam cũng có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Bổn phận, trách nhiệm của công dân
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu đó là ý thức và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội đối với công tác này. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì ý thức và trách nhiệm, sự đồng lòng của mỗi công dân trong phòng, chống dịch bệnh là yếu tố then chốt mang lại thành công trong cuộc chiến với Đại dịch COVID-19, qua đó góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh.
Trước hết, mỗi công dân dù ở bất cứ cương vị nào cũng cần hết sức tin tưởng vào các quyết sách, biện pháp của Chính phủ; cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định khai báo sức khỏe, khai thông tin liên quan một cách trung thực, chính xác, không gian dối hoặc cố tình che giấu thông tin.
Đặc biệt là tự có ý thức, nhận thức, thực hiện nghiêm những biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Kịp thời phản ánh những thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 qua đường dây nóng và các cơ quan chức năng tại địa phương.
Ý thức trách nhiệm công dân còn đến từ sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, không chia sẻ, đăng lại hay cổ xúy cho những quan điểm sai lệch, bài viết không kiểm chứng, hình ảnh giả trên mạng xã hội. Bằng cách đó, sẽ không để các thế lực thù địch kích động, lợi dụng để tung tin bịa đặt gây hoang mang trong xã hội, gây chia rẽ khối đoàn kết thống nhất toàn dân.
Việc nâng cao ý thức công dân và thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi người trong lúc này chính là thể hiện rõ nhất về tinh thần yêu nước, từ đó tạo lên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.
Hành động của Chính phủ đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sỹ để họ tự nguyện san bớt gánh nặng đang đè lên vai Chính phủ. Thời gian qua, để đối phó với dịch, hàng loạt biện pháp được triển khai, nhiều chỉ đạo, quyết định mạnh mẽ được đưa ra để ngăn ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Trong đó, việc tổ chức sàng lọc, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh được đặt lên hàng đầu. Những khuyến cáo, tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng cũng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân. Rõ ràng, cùng với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, người dân đồng lòng làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại.