Phổ biến giáo dục pháp luật

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý
Ngày đăng 12/08/2022 | 14:57

Bên cạnh việc tư vấn pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên pháp lý, luật sư) còn tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự hoặc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

     Tham gia tố tụng bao gồm rất nhiều thao tác khác nhau như: gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý và gia đình của họ, nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, thu thập chứng cứ, tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai tại Cơ quan điều tra, Việt kiểm sát (đối với các vụ việc hình sự), tham gia các buổi lấy lời khai, hòa giải tại Tòa án, tham dự phiên tòa...

     Trong quá trình tham gia tố tụng, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, người đại diện hợp pháp của họ, những người có liên quan và những người tham dự phiên tòa bằng việc hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Việc nắm vững các quy định pháp luật nêu trên sẽ giúp cho bị can, bị cáo và các đương sự khác thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tin tưởng vào sự phán quyết của Tòa án.

     Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc thông qua các hoạt động:

- Gặp gỡ người được trợ giúp pháp lý, gia đình họ và các cơ quan, tổ chức liên quan để tìm hiểu về đặc điểm nhân thân của người được trợ giúp pháp lý, các mối quan hệ của họ với những người xung quanh, các tình tiết liên quan đến vụ việc chưa được thể hiện trong hồ sơ... phục vụ cho việc chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý;

- Truyền đạt đầy đủ và giải thích cặn kẽ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng; các quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý với tư cách là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc đương sự trong vụ án hình sự, dân sự;

- Hướng dẫn, giúp đỡ người được trợ giúp pháp lý làm các thủ tục cần thiết để họ tham gia tố tụng (viết giúp đơn từ, giúp thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng...);

- Hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý về cách thức làm việc với các cơ quan và người tiến hành tố tụng (tham gia các buổi hỏi cung, hòa giải; cách trình bày và trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử, Luật sư tại phiên tòa...)

- Giữ mối liên hệ với người được trợ giúp pháp lý sau khi vụ việc kết thúc để tiếp tục hỗ trợ họ khi cần thiết.

Nguồn: Hội Luật gia quận

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận