Phổ biến giáo dục pháp luật
Lý lịch tư pháp là nguồn thông tin chính thức về tình trạng án tích của bị cáo để Toà án xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với họ khi giải quyết những vụ việc cụ thể. Xét theo góc độ này thì những thông tin về lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh bị cáo tái phạm hay không tái phạm. Lý lịch tư pháp còn là nguồn thông tin chính thức để các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế xem xét đạo đức, tư cách của cá nhân trong khi giải quyết những vụ việc cụ thể liên quan đến cá nhân đó
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, pháp luật thường quy định việc công dân phải xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp khi tham gia vào một số quan hệ xã hội cụ thể, như khi xem xét việc xuất cảnh, nhập cảnh, cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch, nuôi con nuôi; cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, kiểm toán, y dược tư nhân; du học ở nước ngoài, tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ở góc độ cá nhân, lý lịch tư pháp cũng là phương tiện để công dân đòi hỏi sự đối xử công bằng, minh bạch từ phía các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền dân sự, chính trị, yêu cầu Nhà nước phải bảo đảm cho họ được làm các công việc mà pháp luật không cấm nếu họ xuất trình được Phiếu lý lịch tư pháp chứng minh họ không có án tích. Lý lịch tư pháp là một hình thức quản lý con người hiện đại trong một xã hội dân sự khi mà quyền công dân ngày càng được tôn trọng và bảo vệ.
Các quy định pháp luật của Việt Nam về lý lịch tư pháp thể hiện rõ nét vấn đề bảo đảm quyền con người thông qua các quy định về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp, chế định xóa án tích và quyền tiếp cận thông tin lý lịch tư pháp.
1. Về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp
Phạm vi quản lý lý lịch tư pháp là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng quyết định toàn bộ nội dung, quy mô, cơ chế quản lý lý lịch tư pháp của mỗi quốc gia. Xét về mặt lịch sử thì phạm vi và nội dung của lý lịch tư pháp lúc đầu chỉ là những vấn đề mang tính chất thuần túy hình sự (tức là những án hình). Luật Lý lịch tư pháp đưa ra khái niệm lý lịch tư pháp như sau: “Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản”. Như vậy, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, những hành vi vi phạm của cá nhân bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính (thường được gọi là “tiền sự”) không thuộc phạm vi quản lý lý lịch tư pháp và không ghi vào Lý lịch tư pháp của cá nhân.
2. Quy định liên quan đến vấn đề xóa án tích
Kết án một người là sự đánh giá chính thức của Tòa án nhân danh Nhà nước về hành vi phạm tội mà người đó đã gây ra đối với xã hội. Hậu quả trực tiếp của sự đánh giá này là người phạm tội phải chịu hình phạt. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, người bị kết án còn bị đặt vào một hoàn cảnh "thử thách tiếp theo" sau khi chấp hành xong bản án - đó là phải mang án tích. Đây là cơ sở để xác định tội phạm, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm nếu họ lại phạm tội.
Xóa án tích là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật hình sự thể hiện sự thừa nhận về mặt pháp lý người bị kết án không còn mang án tích nữa và vì vậy không phải tiếp tục gánh chịu bất cứ hậu quả nào do việc kết án mang lại. Nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất của chế định xóa án tích là ở chỗ: người được xóa án tích coi như chưa bị kết án (không có tiền án). Điều đó có nghĩa là từ thời điểm được xóa án tích, họ trở thành người hoàn toàn bình thường về mặt tư pháp và không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ đã bị kết án trước đây để hạn chế quyền lợi của họ. Sau khi đã được xóa án tích, các giấy tờ liên quan đến căn cước, lý lịch của họ đều được ghi là "không có án tích" và nếu người đó lại phạm tội mới thì cũng coi như phạm tội lần đầu.
Có thể nói, chế định xóa án tích và chính sách tạo điều kiện cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án thể hiện sâu sắc tính nhân đạo trong chính sách hình sự và quản lý xã hội của Nhà nước ta. Tuy nhiên, bản chất nhân đạo của chính sách này chỉ được thể hiện trọn vẹn khi nó được gắn liền với việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đã được xóa án tích. Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” sẽ tạo điều kiện cho người bị kết án tái hoà nhập cộng đồng, bớt mặc cảm và không bị cộng đồng phân biệt đối xử. Thực tế cho thấy người đã được xoá án tích chỉ có thể tham gia vào các quan hệ xã hội như xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học, thăm thân nhân, xuất cảnh, thành lập doanh nghiệp… khi có Phiếu lý lịch tư pháp “sạch” xác nhận nội dung “không có án tích”. Với việc xác nhận của Phiếu lý lịch tư pháp, người được xoá án tích mới “thực sự” được coi như chưa bị kết án và hoà nhập cộng đồng một cách dễ dàng hơn.
3. Quy định liên quan đến vấn đề tiếp cận thông tin lý lịch tư pháp
Lý lịch tư pháp gồm những thông tin rất quan trọng về cá nhân nên việc quy định những chủ thể có quyền tiếp cận thông tin về lý lịch tư pháp là rất cần thiết nhằm bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân cũng như đáp ứng được các mục đích của quản lý lý lịch tư pháp. Theo quy định của pháp Luật, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân không bị hạn chế về mục đích sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp. Tùy theo yêu cầu sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện về thủ tục thì cá nhân đó có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
Nguồn: Hội Luật gia quận