Phổ biến giáo dục pháp luật
Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt được xác lập và chi phối bởi các yếu tố liên quan đến quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, kinh tế, văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì vậy, gia đình và vấn đề gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân và là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về xây dựng gia đình Việt Nam. Để đưa các chính sách, pháp luật vào cuộc sống, không thể không nhắc đến vai trò cầu nối của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về gia đình.
Thứ nhất, cần triển khai kịp thời, đồng bộ, đầy đủ các nhiệm vụ PBGDPL nói chung và PBGDPL về gia đình nói riêng trên cơ sở bám sát các yêu cầu, giải pháp đề ra tại Kết luận số 80-KL/TW và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021.
Thứ hai, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế, khó khăn trong triển khai thực hiện các Đề án liên quan đến PBGDPL về gia đình, nhất là Đề án đã kết thúc hoặc sắp đến thời điểm kết thúc để từ đó kiến nghị, đề xuất việc tiếp tục thực hiện hoặc xây dựng, ban hành các Đề án mới cho phù hợp thực tế, nhằm cập nhật các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu; gắn việc thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về gia đình với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan đến gia đình.
Thứ ba, đổi mới nội dung và hình thức PBGDPL về gia đình.
- Nội dung PBGDPL về gia đình cần có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể và xuất phát từ nhu cầu thực tế của đối tượng. Nội dung PBGDPL cần tập trung vào các quy định quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, trình tự, thủ tục thực hiện quyền, nghĩa vụ; nhận diện được hành vi vi phạm pháp luật về gia đình nói chung và các hành vi bạo lực gia đình nói riêng; các giải pháp bảo vệ, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; biết được các địa chỉ; cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ khi vụ việc xảy ra; gắn tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật với các kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi xâm hại, vi phạm pháp luật. Chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình thông qua các hoạt động PBGDPL; đồng thời tạo dư luận xã hội công khai qua công tác PBGDPL với những vụ việc bạo lực gia đình, xâm phạm phụ nữ và trẻ em gái.
- Đổi mới hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp, chia sẻ kiến thức pháp luật về thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về gia đình; tổ chức đối thoại, phản biện, giám sát thực hiện chính sách pháp luật nhà nước về gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; thực hiện lồng ghép PBGDPL, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cho phụ nữ với các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí; xây dựng phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc; chú trọng sơ kết, tổng kết các mô hình, cách làm hay trong PBGDPL chính sách, pháp luật về gia đình để nhân rộng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác này.
- Đối tượng PBGDPL về gia đình, cần khảo sát đầy đủ nhu cầu pháp luật của các nhóm đối tượng PBGDPL về gia đình, đặc biệt chú ý đến nhóm yếu thế phụ nữ, trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình; phân tích những rào cản hạn chế quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của các nhóm đối tượng để từ đó xây dựng nội dung, đề xuất hình thức, giải pháp PBGDPL phù hợp.
Thứ tư, nâng cao nguồn lực PBGDPL về gia đình:
- Rà soát, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác PBGDPL về gia đình theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp; chú trọng nâng cao năng lực, nghiệp vụ PBGDPL, cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL về gia đình cho đội ngũ này.
- Tăng cường tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về gia đình; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền phụ nữ, trẻ em, thực hiện bình đẳng trong gia đình cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên.
- Bố trí nguồn kinh phí hợp lý, có chế độ đãi ngộ, thù lao phù hợp cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, thu hút người am hiểu pháp luật, công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia thực hiện PBGDPL chính sách, pháp luật về gia đình. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL theo tinh thần xã hội hóa.
Thứ năm, tăng cường trách nhiệm, thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong PBGDPL về gia đình:
- Phát huy đầu đủ vai trò, trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan (Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động- Thương binh và xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, …) trong chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL về gia đình.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác giám sát thi hành pháp luật, pháp lệnh, vận động thành viên, hôi viên của tổ chức mình tuân thủ, chấp hành pháp luật ở mỗi địa bàn./.
Nguồn phòng Tư pháp quận