Phổ biến giáo dục pháp luật

Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi
Ngày đăng 19/12/2022 | 15:34

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm tới người cao tuổi, đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống người cao tuổi. Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp 2013 khẳng định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

     Hiến pháp 2013 đã ghi rõ:  “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật người cao tuổi được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính sách đối với người cao tuổi đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo ra một khuôn khổ chính sách khá toàn diện đối với người cao tuổi ở Việt Nam. Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định: Người già được trợ giúp pháp lý là người từ đủ 60 tuổi trở lên, sống cô đơn, không có nơi nương tựa. Luật Trợ giúp pháp lý quy định "Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, trong đó đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi là một trong những mục tiêu quan trọng, với mục tiêu ít nhất 80% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu giai đoạn 2022-2025 và ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu giai đoạn 2026-2030.

     Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi gồm:

a) Tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người cao tuổi khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành có nhu cầu trợ giúp pháp lý và tại Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi, các câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội khi có yêu cầu và phù hợp với điều kiện của địa phương;

b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi;

c) Truyền thông về trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi thông qua các hoạt động thích hợp.

     Các văn bản nói trên tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Nguồn: Hội Luật gia quận

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận