Phổ biến giáo dục pháp luật

Các dấu hiệu để nhận biết đối tượng khiếu nại hành chính
Ngày đăng 13/04/2023 | 16:41

Thứ nhất, dấu hiệu nhận biết quyết định hành chính là đối tượng khiếu nại bao gồm:

     Chủ thể ban hành là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Hiến pháp năm 2013 quy định các cơ quan hành chính nhà nước là bộ phận hợp thành của bộ máy nhà nước, được thành lập để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương gồm có Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ. Trong đó bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là cơ quan cấp bộ) là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương; là cơ quan chuyên môn được tổ chức theo chế độ thủ trưởng, đứng đầu là các Bộ trưởng hay Chủ nhiệm Ủy ban. Các cơ quan cấp bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành - quản lý chức năng, quản lý liên ngành hay đối với lĩnh vực - quản lý tổng hợp trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan hành chính nhà nước địa phương là những cơ quan hành chính nhà nước thay mặt chính quyền ở địa phương. Người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền (cán bộ, công chức) được pháp luật quy định có thể thay mặt tập thể ký ban hành các quyết định hành chính.

     Về nội dung: Quyết định hành chính là văn bản được ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, là hoạt động thực thi quyền hành pháp, tức là hoạt động chấp hành và điều hành; để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường… nhằm duy trì trật tự an ninh, thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của nhân dân.

     Tính cá biệt của quyết định hành chính: Quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Quyết định hành chính là loại văn bản do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để giải quyết những vụ việc cụ thể, đối với những đối tượng cụ thể. Ban hành quyết định hành chính cá biệt là hình thức hoạt động chủ yếu của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở. Nội dung của nó là áp dụng một hay nhiều quy phạm pháp luật vào một trường hợp cụ thể, trong những điều kiện cụ thể. Việc ban hành văn bản cá biệt làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt những quan hệ pháp luật hành chính cụ thể. Chính vì thế, nó sẽ có thể làm phát sinh quyền lợi, nghĩa vụ nên có thể bị khiếu nại và trở thành đối tượng khiếu nại hành chính.

     Thứ hai, dấu hiệu để nhận biết hành vi hành chính là đối tượng khiếu nại bao gồm:

     Về mặt chủ thể thì hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Tức là, cùng là những chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính. Có thể là cơ quan hành chính nhà nước theo cấp từ trung ương đến địa phương hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan đó.

     Tuy nhiên, về mặt nội dung thì lại thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động (thực hiện hoặc không thực hiện) nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Pháp luật quy định khi thực hiện hoạt động quản lý hành chính của mình thì những chủ thể trên đã không làm hoặc làm không đúng chức năng nhiệm vụ mà pháp luật bắt buộc họ phải làm dẫn tới ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nên họ có quyền khiếu nại về những hành vi hành chính này. Để xác định khi nào là nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thì cần căn cứ vào quy định của pháp luật chuyên ngành cho phép họ được thực hiện hoặc phải thực hiện chức năng nhiệm vụ gì. Tùy theo từng lĩnh vực chuyên ngành mà xác định hành vi hành chính của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính cho chính xác để hoạt động khiếu nại được thụ lý, giải quyết.

     Thứ ba, dấu hiệu để nhận biết quyết định kỷ luật cán bộ, công chức là đối tượng khiếu nại:

     Theo quy định của Điều 78 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Hình thức cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

     Các hình thức kỷ luật đối với công chức được quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), có những hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Với hình thức kỷ luật giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

     Dấu hiệu quan trọng nhất và để xác định các đối tượng khiếu nại trên cần xác định xem chúng có xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó một cách trực tiếp hay không.

     Với ba loại đối tượng khiếu nại hành chính nêu trên cũng sẽ bị loại trừ theo quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại đối với “các khiếu nại không được thụ lý giải quyết”, đó là: Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới. Những loại quyết định hành chính, hành vi hành chính này dù có chứa đựng đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của một quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cũng không là đối tượng khiếu nại vì nó mang tính chất quản lý hành chính nội bộ trong cơ quan, tổ chức đó. Loại quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng không là đối tượng khiếu nại vì đây là loại quyết định mang tính quy phạm để áp dụng chung cho toàn xã hội nên không thể khiếu nại. Nếu muốn thay đổi quyết định mang tính chất quy phạm thì phải thực hiện theo trình tự thủ tục xây dựng luật, nghị định, thông tư. Loại thứ ba là quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định cũng không là đối tượng khiếu nại. Đây là loại quyết định hành chính mang tính chất loại trừ của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, là những vấn đề “mang tính chất sống còn” của một quốc gia nên nó được Chính phủ quy định thành danh mục riêng và nếu đã thuộc danh mục này thì sẽ không là đối tượng khiếu nại.

     Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại thì dù xác định là đối tượng khiếu nại nhưng cũng không được thụ lý giải quyết. Bởi vì, người khiếu nại không thể khiếu nại đối với một quyết định hành chính, hành vi hành chính khi nó không xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, trừ trường hợp họ khiếu nại cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự theo thủ tục mà họ sẽ là người đại diện theo pháp luật.

     Quyết định hành chính, hành vi hành chính không được thụ lý, giải quyết khi việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án. Quy định này nhằm hạn chế cùng một sự việc nhưng cả hai cơ quan cùng thụ lý giải quyết là Tòa án và cơ quan hành chính nhà nước, sẽ dẫn tới chồng chéo trong giải quyết nội dung sự việc. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định khi đồng thời vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện thì người đó chỉ có thể lựa chọn hoặc khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc khởi kiện tại Tòa án. Đồng thời, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết việc khởi kiện vụ án hành chính khi cam kết không đồng thời khiếu nại theo thủ tục hành chính.

Nguồn: Hội Luật gia quận

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận