Phổ biến giáo dục pháp luật

So sánh giữa đối tượng khiếu nại hành chính với đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính
Ngày đăng 13/04/2023 | 17:17

Theo quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì Tòa án sẽ chỉ thụ lý giải quyết những loại việc sau:

     (i) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính (trừ các quyết định, hành vi sau đây: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức). (ii). Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống. (iii) Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. (iv) Khiếu kiện danh sách cử tri.

     Đây là những loại việc được xác định là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Như vậy, có những loại việc quy định là đối tượng khởi kiện sẽ trùng với đối tượng khiếu nại, có những loại việc thì sẽ rộng hơn nhưng cũng có những loại việc sẽ thu hẹp lại. Ví dụ: Với đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính thì việc xác định đối tượng khởi kiện sẽ rộng hơn đối tượng khiếu nại. Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì đối tượng khởi kiện khi được ban hành dưới dạng quyết định hành chính hoặc thực hiện dưới dạng hành vi hành chính thì được mở rộng hơn khi chủ thể ban hành quyết định hành chính là cá nhân, cơ quan, tổ chức được cơ quan hành chính nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý chuyên ngành đó theo quy định của pháp luật.

     Tương tự như vậy, đối với hành vi hành chính cũng được mở rộng hơn khi chủ thể có thẩm quyền thực hiện hành vi hành chính là cá nhân, cơ quan, tổ chức được trao quyền thực hiện hành vi hành chính đó theo quy định của pháp luật.

     Với đối tượng khởi kiện là quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì đối tượng khởi kiện bị thu hẹp trong phạm vi quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống. Còn với đối tượng khiếu nại thì sẽ là quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Quyết định kỷ luật với cán bộ có 04 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm; còn đối với công chức có 06 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Duy nhất chỉ có quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống là trở thành đối tượng khởi kiện, còn lại chỉ là đối tượng khiếu nại và sẽ không được phép khởi kiện vụ án hành chính. Phạm vi khởi kiện đã bị thu hẹp. Tuy nhiên, điều này sẽ mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về thời hiệu khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại cũng là đối tượng khởi kiện vì bản thân nó là quyết định hành chính.

    Với đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì trình tự khiếu nại là điều kiện bắt buộc, tiền tố tụng. Đối tượng khiếu nại là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Thực ra, đây là loại quyết định theo trình tự thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại. Nó chỉ mang yếu tố quản lý nhà nước khi có việc khiếu nại quyết định xử lý cạnh tranh này và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Quyết định này trở thành đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.

Nguồn: phòng Tư pháp

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận