Phổ biến giáo dục pháp luật

Thực trạng và giải pháp về việc xác định đối tượng khiếu nại hành chính trong hoạt động quản lý hành chính hiện nay
Ngày đăng 10/05/2023 | 11:20

Trong thực tế, việc xác định đối tượng khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, cụ thể:

     Thứ nhất, chưa có sự thống nhất về khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính. Theo quy định của Luật Khiếu nại thì quyết định hành chính, hành vi hành chính chỉ là quyết định và hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Còn khái niệm về quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì còn mở rộng chủ thể ban hành, thực hiện hành vi là cá nhân, cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó. Theo quy định của pháp luật chuyên ngành cụ thể sẽ giao quyền cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoạt động quản lý hành chính nên hoạt động quản lý hành chính đó sẽ được xem là đối tượng khởi kiện. Nếu đã là đối tượng khởi kiện thì nó nên là đối tượng khiếu nại vì họ có quyền có ý kiến khi cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khi người bị xâm hại thể hiện ý chí phản ứng ngay đối với người ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bằng hình thức khiếu nại trực tiếp thì người đó có cơ hội để xem xét, khắc phục kịp thời; giảm thiểu thời gian, chi phí tố tụng khi khởi kiện ra tòa án nhân dân. Mặc dù quy định như vậy, nhưng trong thực tế, cá nhân, cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong cơ quan tổ chức được giao thực hiện hoạt động quản lý vẫn tiến hành giải quyết khiếu nại khi có đơn khiếu nại. Chính vì vậy, cần hoàn thiện quy định của pháp luật, đó là đồng nhất khái niệm về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

     Thứ hai, nếu đã quy định đối tượng khiếu nại là quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức thì nên quy định mở rộng đối tượng khởi kiện cũng là quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Vì hình thức kỷ luật cán bộ, hình thức kỷ luật công chức có rất nhiều hình thức. Đã bị kỷ luật, tức là quyền, lợi ích hợp pháp có thể sẽ bị xâm hại nên ngoài việc họ có quyền khiếu nại thì nên cho họ quyền khởi kiện. Hiện nay, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chỉ cho khởi kiện đối với quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống. Giải pháp đặt ra là hoàn thiện quy định pháp luật, cần bổ sung trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015, mở rộng thêm đối tượng khởi kiện là quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

     Thứ ba, nên mở rộng đối tượng khiếu nại ngoài việc được khiếu nại quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức cũng có quyền khiếu nại đối với các quyết định quản lý hành chính khác của cơ quan hành chính nhà nước như: Quyết định nâng lương, hạ bậc lương, cho hưởng hoặc cắt chế độ chính sách… Đây là các quyết định hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức. Đây là quyền lợi thiết thực khi cán bộ, công chức được hưởng các chế độ liên quan đến lương, chính sách… Giải pháp đưa ra đối với vướng mắc này là quy định thêm trong điều luật về đối tượng khiếu nại.

     Thứ tư, mở rộng quyền khiếu nại đối với văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật khiếu nại giới hạn chỉ cho phép công dân, tổ chức khiếu nại đối với các quyết định hành chính cá biệt ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, chưa cho phép khiếu nại đối với các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật khiếu nại cần sửa đổi, bổ sung cho phép công dân có quyền khiếu nại đối với các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành khi cho rằng văn bản đó trái pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ví dụ, quyết định về khung giá đất tại địa phương… vấn đề này là cần thiết và hợp lý, đây là những vấn đề pháp lý liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại gây bức xúc và khiếu nại, khiếu kiện nhiều khi việc áp dụng khung giá đất bằng việc ban hành các quyết định hành chính cá biệt làm căn cứ bồi thường, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

N guồn: phòng Tư pháp quận

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận