Phổ biến giáo dục pháp luật

Xác định đối tượng khiếu nại hành chính
Ngày đăng 10/05/2023 | 11:28

Khiếu nại hành chính là quyền của cá nhân được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Khiếu nại hành chính thể hiện ý chí của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi cho rằng hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật hoặc không hợp lý. Nó là phương thức để họ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm bởi hoạt động quản lý hành chính.

     Theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 thì: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

    Chủ thể khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, bị điều chỉnh bởi hành vi hành chính hoặc ban hành quyết định hành chính, bắt buộc phải thực hiện hoặc tuân theo. Họ tham gia vào hoạt động quản lý hành chính đó, khi bị yêu cầu thực hiện nội dung quản lý hành chính, họ không đồng ý vì cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính này có thể làm tổn hại đến quyền lợi hoặc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Chính vì sự không đồng ý đó, họ có quyền thể hiện ý chí dưới hình thức yêu cầu người đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi hành chí đó phải xem xét lại quyết định hoặc hành vi hành chính của mình. Toàn bộ những hoạt động này được gọi dưới tên gọi là “hoạt động khiếu nại”.

     Ngoài khiếu nại về quyết định hành chinh hay hành vi hành chính thì họ có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.  Như vậy, có thể hiểu đối tượng khiếu nại bao gồm: Quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. 

     Quyết định hành chính theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật Khiếu nại là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

     Hành vi hành chính theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

     Còn quyết định kỷ luật theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật Khiếu nại là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Nguồn: Hội Luật gia quận

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận