Phổ biến giáo dục pháp luật

Quy định pháp luật kết hôn giữa hai người cùng giới tính và kết hôn với người đã chuyển giới
Ngày đăng 21/06/2023 | 08:13

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình quy định điều kiện để được đăng ký kết hôn:

(1) Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

(2) Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Từ các quy định trên, có thể hiểu nhà nước ta không cấm những người có cùng giới tính kết hôn với nhau, nhưng Nhà nước cũng không thừa nhận hôn nhân giữa họ là hôn nhân hợp pháp; và họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Lý giải cho quy định khi đăng ký kết hôn thì hai bên phải là một nam, một nữ là bởi kết hôn là nhằm mục đích xây dựng gia đình và đảm bảo chức năng duy trì nòi giống của xã hội. Và những người đồng giới khi chung sống; kết hôn với nhau sẽ không đảm bảo được các mục đích trên. Các nhà làm luật đánh giá việc kết hôn giữa những người đồng giới là trái với quy luật phát triển của tự nhiên, trái với đạo đức dân tộc và văn hóa, thuần phong mĩ tục của người Việt Nam có từ ngàn đời. 

Như vậy, từ các phân tích trên có thể khẳng định, những người cùng giới không thể đăng ký kết hôn với nhau, kể cả khi họ có tâm tư, nguyện vọng muốn đăng ký kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn sẽ từ chối việc này. Trong trường hợp vì một số lý do nào đó họ đã đăng ký kết hôn với nhau thì sau khi bị phát hiện và có căn cứ cho rằng đây là cuộc hôn nhân giữa những người đồng giới thì khi có yêu cầu, việc kết hôn này sẽ bị hủy theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, những người cùng giới có thể lựa chọn tổ chức hôn lễ và sống chung cùng nhau như vợ chồng. Điều này sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ về nhân thân cũng như về tài sản giữa hai người. Cụ thể:

Về nhân thân: Giữa hai người cùng tính không có ràng buộc về mặt pháp lý, không được cấp đăng ký kết hôn, không được công nhận là vợ, chồng hợp pháp. Bởi vậy, con cái, cấp dưỡng, quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng… không tồn tại;

Về quan hệ tài sản: Vì không có quan hệ vợ chồng nên không áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng được quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu phát sinh tranh chấp, tài sản không được chia theo nguyên tắc chung về tài sản chung vợ, chồng.

Có được kết hôn với người đã chuyển giới không: Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và Luật khác có liên quan.”

Như vậy, sau khi chuyển giới, đăng ký thay đổi hộ tịch; thì người chuyển giới được quyền đăng ký kết hôn với người khác giới tính đã chuyển; và quan hệ hôn nhân này sẽ được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ khái niệm chuyển giới được pháp luật công nhận.

Nguồn: hội Luật gia

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận