Phổ biến giáo dục pháp luật

Nghị quyết 27/NQ-TW - Khắc phục tình trạng pháp luật thiếu tính ổn định
Ngày đăng 06/07/2023 | 18:17

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu “đẩy mạnh CCHC...,“đơn giản hóa TTHC, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh”. Để thực hiện tốt chủ trương mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra, cần tập trung một số giải pháp như:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, một mặt để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc hiện tại, mặt khác mở đường cho kiến tạo phát triển, tập trung vào 2 trọng tâm. Trước mắt, cùng với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản QPPL, cần rất chú trọng khắc phục tình trạng pháp luật thiếu tính ổn định. Trong điều kiện phát sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, pháp luật chưa thể dự liệu hết, cần thí điểm, thiết lập các vùng đặc thù chính sách với thời gian, địa bàn cụ thể, vừa bảo đảm không phá vỡ tính thống nhất, đồng bộ của thể chế chính sách chung, vừa kịp thời, linh hoạt.

Về lâu dài, cần từng bước đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản QPPL; tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; hạn chế việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, cần phát triển án lệ không chỉ phục vụ cho công tác xét xử mà còn làm cơ sở để đa dạng hóa nguồn của pháp luật, bổ sung vào những khoảng trống khi chưa kịp thời ban hành mới các quy định pháp luật.

Đề nghị tăng cường kiểm soát TTHC trong văn bản QPPL; sớm thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm đồng bộ, nhất quán từ “kiểm soát trên văn bản” đến “kiểm soát việc thực thi”.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương; trong phân cấp, phân quyền cần rành mạch, hạn chế tối đa quy trình xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan được phân cấp, phân quyền, điều kiện bảo đảm thực hiện, trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện cơ chế công khai tiến độ và kết quả giải quyết TTHC đến từng chuyên viên, cơ quan, tổ chức theo tinh thần Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách tiền lương; đồng thời, sớm cụ thể hóa cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó có việc tăng cường cho phép thực hiện các mô hình thí điểm.

CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì. Do đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vừa là nhiệm vụ trước mắt, cũng là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi phải tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, với sự tham gia tích cực và cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và người dân./.

Nguồn: Hội Luật gia

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận