Phổ biến giáo dục pháp luật
Chợ, trung tâm thương mại là nơi tập trung đông người, chứa nhiều hàng hóa dễ cháy; nguy cơ xảy cháy cao… Khi có cháy, nổ xảy ra và không được phát hiện và dập tắt kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản. Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra ở các chợ, trung tâm thương mại, ban quản lý, mỗi hộ kinh doanh và người dân cần phải thực hiện:
1. Thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (thẩm duyệt về PCCC đối với công trình xây dựng mới, cải tạo, thay đổi quy mô, tính chất hoạt động; nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình, hạng mục công trình vào hoạt động).
2. Không tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng.
3. Hàng hoá, sắp xếp bảo quản tại cửa hàng, kho:
- Sắp xếp, bảo quản hàng hoá theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm, cùng phương pháp chữa cháy giống nhau đồng thời bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy.
- Sắp xếp, trưng bày hàng hóa phải để trên bục kê, giá gọn gàng, vững chắc, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện (khoảng cách tối thiểu là 0,5m); lưu ý, việc sắp xếp phải tính đến trường hợp các chồng, đống hàng hóa khi ngã không đè lên các thiết bị điện hoặc đường dây dẫn điện;
- Không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi, không để hàng hóa trong các buồng thang, chiếu nghỉ thang bộ; không được khóa, đóng chặt các cửa thoát hiểm trong thời điểm kinh doanh; phải đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ. Cụ thể (theo TCVN 6161:1996):
+ Chiều rộng tối thiểu của lối đi chính trong khu vực kinh doanh (từ các cửa chợ đi vào) là 3,6m;
+ Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng vải, quần áo may sẵn liền kề nhau là 1,8m;
+ Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng giày, dép liền kề nhau là 1,2m;
+ Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng khác bố trí song song nhau là 1,2m.
4. Không sử dụng lửa trần, như: đốt nhang, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc lá, đốt vàng mã,... trong cơ sở.
5. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh.
6. Di dời các cầu dao, cầu chì, bảng điện, ổ cắm,... ra bên ngoài kho. Không tự ý câu mắc các thiết bị điện để chiếu sáng, sinh hoạt, trang trí, quảng cáo,... không đảm bảo an toàn về điện hoặc câu mắc quá nhiều để tránh hiện tượng quá tải gây cháy.
7. Khi hết giờ làm việc phải sắp xếp toàn bộ hàng hóa, vật dụng vào trong quầy, sạp và đóng kín tất cả các cửa quầy, sạp để hạn chế tốc độ lan truyền của đám cháy trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ đồng thời ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn (tắt công tắc, cầu dao, aptomat, rút chuôi cắm ra khỏi ổ cắm điện,...)
8. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên, tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp đúng phạm vi đã được quy định, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC; tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện (kể cả hệ thống chiếu sáng, hệ thông chữa cháy và chiếu sáng sự cố). Khi phát hiện có dấu hiệu hư hỏng các thiết bị bảo vệ như aptomat, cầu dao, cầu chì,...; dây dẫn điện bị mục, đổi màu, bong tróc, nứt nẻ; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc của công tắc bị ô xy hóa (gỉ sét) phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa hoặc thay thế để đảm bảo an toàn PCCC.
9. Trường hợp bảo dưỡng, sửa chữa có sử dụng hàn, xì thì phải sử dụng thợ hàn có chứng chỉ hành nghề; khi hàn phải có biện pháp che chắn vẩy hàn đảm bảo an toàn PCCC.
10. Trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy của từng cơ sở, công trình (nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, bình chữa cháy,…), thường xuyên kiểm tra duy trì hoạt động của các hệ thống để đảm bảo sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
11. Thành lập Ban chỉ huy PCCC, đội PCCC cơ sở đảm bảo quân số, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng này, tổ chức thường trực đảm bảo 24/24 tại cơ sở.
12. Đối với các đơn vị cho thuê mặt bằng làm nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cần phân định rõ ràng trách nhiệm thực hiện công tác PCCC giữa bên cho thuê và bên thuê, thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an toàn có thể dẫn đến cháy, nổ.
13. Khi có sự cố cháy, nổ cần bình tĩnh suy xét, tìm và di chuyển ra lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn Exit hoặc nghe thông báo hướng dẫn qua hệ thống truyền thanh; trên đường đi hãy thông báo cho mọi người biết có cháy đang xảy ra; nếu có điều kiện hãy tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người già, trẻ em, người tàn tật thoát ra nơi an toàn, tham gia chữa cháy, cứu tài sản. Gọi điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thành phố qua số 114; Đội Cảnh sát PCCC&CNCH qua số điện thoại 024.36 343 494 hoặc đội dân phòng, Chính quyền, Công an phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy theo tình huống đã dự kiến./.