phường lĩnh nam

Phường Lĩnh Nam tổ chức Hội nghị tập huấn và phổ biến kiến thức về công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn phường
Ngày đăng 27/12/2018 | 15:24  | View count: 423

Thực hiện Kế hoạch công tác phòng cháy chữa cháy năm 2018. Chiều ngày 14/12/2018, tại Hội trường Nhà văn hóa khu dân cư số 6 phường Lĩnh Nam, UBND phường đã tổ chức Hội nghị tập huấn và phổ biến kiến thức về công tác phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn phường

     Dự Hội nghị, có đồng chí Đinh Công Tùng - Cán bộ Đội PCCC, tìm kiếm cứu nạn Công an quận Hoàng Mai, bà Trần Thanh Nga - Phó chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam, các ông bà Bí thư chi bộ, Tổ trưởng, tổ phó dân phố, Đội TTXD, Ban Bảo vệ dân phố cùng đại diện các cửa hàng kinh doanh khí đốt.

     Hội nghị đã nghe đồng chí Đinh Công Tùng - Cán bộ Đội PCCC, tìm kiếm cứu nạn Công an quận Hoàng Mai hướng dẫn các quy định của Luật phòng cháy chữa cháy, cách đảm bảo an toàn PCCC tại các hộ gia đình, quy trình xử lý khi có cháy nổ, hỏa hoạn xảy ra, hướng dẫn an toàn PCCC và kỹ năng thoát nạn đối với nhà ống, hướng dẫn sử dụng điện, gas an toàn trong gia đình. Khi có cháy nổ hãy gọi số điện thoại 114.

     1. Cách xử lý khi phát hiện đám cháy

     Khi phát hiện ra cháy, nhanh chóng thông báo, hô hoán cho mọi người biết về vụ cháy; nhanh chóng ngắt điện nhà bị cháy (nếu có thể); huy động thêm mọi người xung quanh di chuyển người trong nhà ra ngoài nơi an toàn. Gọi điện thoại cho lực lượng PCCC qua số 114. Cử người đón lực lượng PCCC.

     2. Cách thoát nạn đám cháy trong nhà cao tầng

     - Khi có cháy hãy thật sự bình tĩnh suy xét, đó là yếu tố quan trọng nhất.

     - Dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn dập tắt đám cháy. Nếu không dập được cháy hãy đóng cửa phòng bị cháy lại.

     - Nếu phải băng qua lửa thì ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi; phải dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần, áo gây bỏng da.

     - Trước khi mở cửa phòng để đi ra ngoài hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.

     - Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt (để tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất). Khi còn ở trong phòng nếu thấy có khói lùa vào hãy dùng vải, giẻ ướt chèn kỹ các khe hở không cho khói tràn vào phòng.

     - Nếu không tìm thấy lối ra cửa chính, hãy di chuyển ra ban công hoặc mở cửa sổ. Rồi từ ban công hoặc cửa sổ hãy hô to hoặc vẫy khăn (có thể đùng đèn flash của điện thoại di động khi trời tối) cho mọi người biết. Sau đó gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (số 114) để thông báo vị trí cụ thể của mình.

     - Hãy quan sát kỹ để tìm kiếm phương tiện thoát nạn như tấm rèm, ga xé dọc, quần áo gió buộc lại.

     3. Cách xử lý khi phát hiện có mùi gas trong nhà

     Khi phát hiện có mùi gas trong nhà tuyệt đối không bật công tắc điện, cầu dao, kể cả điện thoại di động vì sẽ làm chập điện gây cháy nổ.

     - Tìm cách mở hết tất cả các cửa nhẹ nhàng, tránh gây ma sát cửa cho khí gas thoát ra ngoài.

     - Dùng quạt giấy hoặc dùng các vật liệu nhẹ quạt cho khí gas thoát ra ngoài, làm giảm nồng độ để không thể gây nổ, gây ngạt và ngộ độc gas.

     - Sau đó tiếp cận và khóa van gas. Gọi điện cho nhà cung cấp gas đến xử lý.

     4. Cách lắp đặt và sử dụng thiết bị điện để phòng, chống cháy nổ

     - Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Bàn là, lò sưởi, bếp điện phải đặt trên vật liệu không cháy và đúng nơi quy định. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.

     - Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây), nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Đối với các loại thiết bị có sử dụng nguồn điện như ô tô, xe máy khi đưa vào gara, nhà ở để bảo quản qua đêm nên ngắt hết các thiết bị tiêu thụ điện và rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm đề phòng chạm chập gây cháy.

     - Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt; cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

     Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo Cảnh sát PCCC và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. Chỉ dùng nước để dập tắt đám cháy khi chắc chắn điện cấp cho căn nhà đã ngắt hoàn toàn và đi giày, ủng cách điện.

     Để chủ động phòng, chống cháy nổ, mỗi gia đình nên trang bị 1 đến 2 bình chữa cháy xách tay bằng khí (Co2, N2) chữa cháy điện khi mới phát sinh. Tổ trưởng, tổ phó dân phố cơ sở chính là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy.

     Hội nghị tập huấn và phổ biến kiến thức về công tác phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn khép lại với hy vọng của BTC Hội nghị là mỗi thành viên dự Hội nghị sẽ là những tuyên truyền viên, những người tích cực và chủ động vận động, hướng dẫn người thân và nhân dân về cách phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn phường Lĩnh Nam, đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp cháy nổ xảy ra trên địa bàn phường./.