phường Mai động

Lễ kỷ niệm 1981 năm ngày hóa Tướng Tam Trinh (43-2024)
Ngày đăng 21/03/2024 | 17:12  | View count: 110

Ngày 19/3/2024 (tức ngày 10/2 năm Giáp Thìn, tại Đình Mai Động đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1981 năm ngày hóa Tướng Tam Trinh (43-2024).

Lễ kỷ niệm vinh dự được đón tiếp các cụ bô lão Đình – Nghè Mai Động; Đ/c Đặng Thị Thanh Bình - Quận ủy viên – Bí thư Đảng ủy phường; Đ/c Trần Văn Vịnh – PBT Đảng ủy – CT UBND phường; Đ/c Nguyễn Thị Mai Lan – PBT Đảng ủy; Đ/c Ngô Ngọc Hiển – Thường vụ Đảng ủy – Chủ tịch UB.MTTQ phường; Cùng các đ/c PCT UBND, trưởng các ban ngành đoàn thể phường, các đ/c bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, các đ/c tổ trưởng tổ dân phố. Và đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đến dự và đưa tin, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn cùng đông đảo nhân dân và khách thập phương.

Đô uý Tam Trinh sinh vào giờ Dần ngày 05 tháng giêng năm Nhâm Dần (năm 22 trước Công nguyên). Tướng mạo thiên tư khác hẳn người thường, mới 3 tuổi biết lễ nghĩa nghe học mà biết, nghe cha giảng bài cho học trò mà thông suốt. Năm 7 tuổi đi học, 13 tuổi đã  thông kinh sử và biết nghề võ, người đương thời đều thán phục tôn ông là "Thánh trẻ" và đặt tên ông là Tam Trinh. Năm 18 tuổi, bố mẹ đều mất, ông tìm nơi đất tốt để làm lễ chôn cất và chịu tang hết 3 năm . Sau đó, ông lo dậy dân Nam châu về phong hoá rồi lo dạy lễ dạy nghĩa cho dân trong vùng. Vì mến đức mến tài dân bầu ông làm Châu trưởng. Một ngày kia, ông dừng chân ở trang Mai Động, thấy dân phong ở đây còn đơn giản, ít biết về học thuật, ông bèn cho mở trường dậy cả văn lẫn võ, học trò theo học rất đông.

Mùa xuân năm 40, hưởng ứng lời hiệu triệu "Trả thù nhà, đền nợ nước" của Hai Bà Trưng trường học của ông bỗng chốc trở thành đạo quân lớn có tới 5 nghìn tráng đinh tham gia, 30 bô lão trong trại cũng tự nguyện xin làm bề tôi và cùng lên hát môn tụ nghĩa. Hai Bà Trưng phong chức cho ông là Đô uý thống lĩnh một đạo quân tiến thẳng tới Luy Lâu, đánh một trân thắng lớn quân Hán đại bại, Tô Định phải cải trang thành dân thường mới chốn thoát. Cuối năm 42, Mã Viện lại sang xâm chiếm nước ta, ông được phong chức Liệt Hầu trấn giữ một vùng hiểm yếu của chấn Sơn Nam. Khi Hai Bà Trưng cho quân rút về vùng Cấm Khê (Ba Vì) thì ông cũng cho quân về cố thủ ở Mai Động.

Sau ngày Hai Bà Trưng hy sinh thì đồn luỹ của ông ở đây cũng bị giặc vây chặt. Đêm ngày 10 tháng 2 năm Quý Mão (tức năm 43), ông lên ngựa cùng quân sỹ đánh một trận huyết chiến nhưng vì lực lượng không tương xứng, đoàn quân của ông vừa đến xứ Gò Đống thì hy sinh năm ông vừa tròn 63 tuổi. Sau ngày mất, nhớ ơn người có công lập làng, nhân dân Mai Động thờ ông làm Thành Hoàng Làng.

Thông qua Lễ kỷ niệm, phường Mai Động nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của Tướng Tam Trinh đối với nhân dân Mai Động; Giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; Xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân./.

Nguồn: phường MĐ