phường yên sở

Kế hoạch ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn phường Yên Sở
Ngày đăng 23/04/2018 | 16:46  | View count: 831

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, gia đình, cộng đồng và chính bản thân trẻ em trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng trên địa bàn phường Yên Sở. Phòng, chống và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em; can thiệp, hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả, giảm tối đa các tổn hại và đảm bảo các quyền, lợi ích của trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển một cách toàn diện

     Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 16/01/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thực hiện Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 04/4/2018 của UBND quận Hoàng Mai về việc ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn quận; UBND phường Yên Sở đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 10/4/2018 về việc ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn phường.

     1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới cam kết chặt chẽ về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và chuyển đổi hành vi của người dân về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

     - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em (đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016).

     - Tổ chức các hoạt động truyền thông về ảnh hưởng của bạo lực, xâm hại trẻ em đối với sự phát triển của trẻ em phù hợp với tình hình thực tế.

     - Triển khai các chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú trong Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 01/6 đến 30/6 hàng năm); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6 hàng năm); Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm); ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (ngày 30/7 hàng năm).

     - Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em; tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng.

     - Tổ chức các hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại các khu dân cư, tổ dân phố về các dấu hiệu, biểu hiện và biện pháp xử lý khi gặp các trường hợp trẻ em nghi bị xâm hại, lạm dụng, bạo lực.

     - Phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông tin về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

     - Tuyên truyền, cung cấp thông tin về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số: 111 - Trực 24/24 và miễn phí cước cuộc gọi.

     2. Tăng cường công tác rà soát, tổng hợp, quản lý chặt chẽ số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em trước bạo lực, xâm hại trẻ em.

     3. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng; duy trì tốt việc điểm báo hàng ngày phát hiện các thông tin về bạo lực, xâm hại trẻ em, về vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn để điều tra, kết luận, xử lý đối tượng vi phạm kịp thời, nhanh chóng, nghiêm minh theo quy định pháp luật. Đồng thời, tiến hành can thiệp, hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em, đảm bảo các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không để nạn nhân bị tổn thương trong quá trình điều tra, xử lý.

     4. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác trẻ em; thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là kiện toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cộng tác viên tại thôn, xóm, tổ dân cư theo Quyết định số 649/QĐ-UBND ngày 05/02/2015 của UBND Thành phố.

     5. Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 03 môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội và giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức với trẻ em nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện công tác phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em. Trong đó, gia đình và nhà trường giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, hình thành và hoàn thiện nhân cách, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển một cách toàn diện nhất.

     Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn phường Yên Sở nhằm tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Pháp luật nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Thực hiện tốt chính sách hiện hành đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo để giảm nhanh số lượng trẻ em lang thang bị lạm dụng sức lao động, mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, khuyết tật, tàn tật, nhiễm HIV, bị tai nạn thương tích, là nạn nhân của bạo lực; đảm bảo cung cấp đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em./.