y tế - giáo dục

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS
Ngày đăng 02/12/2024 | 15:02  | View count: 46

Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra ba mục tiêu 95-95-95 đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. 

Nếu như giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, mỗi năm chúng ta phát hiện được khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV thì hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo. Vấn đề đáng lưu ý đó là xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV ở Việt Nam hiện nay có những địa phương chiếm 65% người nhiễm HIV được phát hiện là thuộc nhóm này.

Theo báo cáo mới đây của Chương trình Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), thành quả trong phòng chống HIV/AIDS đã bị đảo ngược, hàng triệu người đang rơi vào tình trạng nguy hiểm. Số ca nhiễm mới HIV trên toàn thế giới tuy vẫn giảm, song với tốc dộ giảm chậm nhất kể từ năm 2016. HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người ở khu vực châu Âu. Tại châu Á và Thái Bình Dương, khu vực đông dân nhất thế giới, số ca nhiễm cũng tăng trở lại ở những nơi đã ghi nhận mức giảm đáng kể trong 10 năm qua. Đáng lưu ý, Mỹ Latinh, vốn thành công sớm trong điều trị AIDS tuy nhiên số ca nhiễm HIV đã tăng trở lại ở các nhóm dân số điển hình mắc bệnh này như người đồng tính nam. 

Theo thống kê, thế giới hiện có 38 triệu người đang sống chung với HIV, 5,9 triệu người biết họ bị nhiễm bệnh nhưng không được tiếp cận các biện pháp điều trị. Ngoài ra, khoảng 4 triệu người sống chung với HIV mà không được chẩn đoán. Khoảng 76% số người trưởng thành nhiễm bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) giúp họ duy trì thể trạng bình thường và khỏe mạnh, nhưng chỉ có 52% số trẻ em sống chung với HIV trên toàn cầu được tiếp cận ARV vào năm 2021. Trẻ em chỉ chiếm 4% số người sống chung với HIV, nhưng chiếm 15% tổng số ca tử vong liên quan đến AIDS. 70% số ca nhiễm mới HIV là những người bên lề xã hội và tội phạm. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong việc cung cấp các dịch vụ y tế cho người nghi nhiễm hoặc bệnh nhân HIV/AIDS vẫn chưa chấm dứt.

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức phong phú thiết thực đã đem lại nhiều kinh nghiệm quí báu và kết quả đáng được biểu dương trong công tác này. Bên canh đó, hàng năm, ngày 01/12 là điểm nhấn quan trọng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Để tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề này, Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12) năm nay được tập trung với chủ đề: "Hiện thực hóa bình đẳng", đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị, cũng như chia sẻ công nghệ và sự hỗ trợ; bảo đảm rằng mỗi người sẽ nhận được sự chăm sóc mà họ cần, đáp ứng nhu cầu của những người có nguy cơ cao nhất và bị ảnh hưởng nhất. 

TRUNG TÂM Y TẾ HOÀNG MAI

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh