y tế - giáo dục
Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy và học là mục tiêu và yêu cầu của chương trình giáo dục nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng. Thực hiện kế hoạch năm học 2024 – 2025 của PGD & ĐT quận Hoàng Mai, trường THCS Đền Lừ đã tổ chức chuyên đề Lịch Sử lớp 9: "Nâng cao chất lượng dạy học phân môn Lịch sử qua chủ đề Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông".
Đến dự buổi chuyên đề này không chỉ có đại diện PGD & ĐT quận Hoàng Mai, thầy giáo Vũ Mạnh Cường, giáo viên dạy Lịch sử tại các trường trong quận mà còn có BGH và giáo viên của hai trường kết nghĩa (Hòa Lâm và Viên An – huyện Ứng Hòa) đến để cùng chia sẻ và học hỏi, giao lưu.
Trường THCS Đền Lừ tổ chức chuyên đề dạy học phân môn Lịch sử cấp Quận.
Tiết dạy chuyên đề phân môn Lịch Sử do cô giáo Trần Thị Nghĩa thực hiện. Việc tổ chức dạy học chuyên đề vốn là một hoạt động thường niên của ngành Giáo dục ở tất cả các cấp. Trong đó, chuyên đề cấp Quận thực sự là cơ hội không chỉ để khẳng định năng lực chuyên môn của cá nhân giáo viên hay tổ nhóm thực hiện chuyên đề mà còn là nơi để mọi người, đặc biệt những giáo viên trực tiếp đứng lớp có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp dạy học, giáo dục một cách thực tế và hiệu quả.
Tiết dạy chuyên đề: "Nâng cao chất lượng dạy học phân môn Lịch sử qua chủ đề Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông" của cô giáo Trần Thị Nghĩa được đánh giá thành công. Những người tham dự tiết học đều cảm nhận được không khí lịch sử, tinh thần dân tộc ở ngay khi bước chân vào không gian lớp học. Những tấm áp – phíc, pa-nô, những sản phẩm của dự án học tập của học sinh, những nét vẽ sóng nước biển đảo… đã thực sự ấn tượng và một tâm thế sẵn sàng cho một giờ dạy về chủ quyền biển đảo quê hương. Vì vậy, ở phần giao lưu, chia sẻ sau tiết dạy, nhiều thầy cô dự giờ đã chia sẻ niềm xúc động lớn khi được tham gia một tiết học với cảm xúc tự hào và thiêng liêng, một không khí đặc trưng của giờ học lịch sử thành công. Tiết học đã thể hiện hiệu quả nổi bật của phương pháp dạy học dự án, qua sự phối kết hợp nhịp nhàng của nhiều phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học khác nhau đã thực sự phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh...
Cô Trần Thị Nghĩa đã tổ chức tiết dạy thành 3 chặng: Chặng 1: Nguồn sử liệu thành văn – Thông điệp hùng hồn từ quá khứ; Chặng 2: Tư liệu hiện vật - Những dấu tích của cha ông, Chặng 3: Bản đồ cổ. Tương ứng với mỗi chặng là thử thách mà mỗi nhóm học sinh sẽ trình bày, thể hiện kết quả dự án. Mỗi nhóm đã có những cách thức trình bày sản phẩm khác nhau, kết hợp trò chơi với thuyết minh. Mỗi một chặng là một nội dung kiến thức để tìm ra những chứng cứ lịch sử để chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và điều được coi là ấn tượng ấn, xúc cảm nhất đối với người dự là phần hoạt cảnh của Nhóm 4. Chỉ có hai cảnh diễn ngắn gọn nhưng các em đã gợi lên cả hành trình gian lao mà thiêng liêng, anh dũng mà rất đầy tự hào của những người con đất Việt đã kiên gan vững chí trong việc xác lập, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cùng với đó là lời kết đầy truyền cảm của cô Nghĩa nhấn mạnh lại về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tiết chuyên đề nằm ở phần đầu của Chủ đề chung 3 của môn Lịch sử - Địa lí 9. Chính vì vậy, khi thiết kế bài học, tổ nhóm đã hướng đến mục tiêu triển khai xuyên suốt 3 tiết học của Chủ đề. Do đó, phiếu học tập được thiết kế cho học sinh không chỉ có phần giao nhiệm vụ thực hiện dự án cho các nhóm mà còn có phiếu học tập cá nhân để từng học sinh thực hành, vận dụng ở nhiều cấp độ: Hình thành kiến thức về chứng cứ lịch sử và pháp lí; bày tỏ trách nhiệm trước vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam và vận dụng vào tình huống giả định có nhiều khả năng xảy ra trong thực tế (Em đọc được trên trang mạng xã hội một bài viết của nước ngoài với nội dung tuyên bố: Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước A, nước B (Trung Quốc, Philipin…). Nhiều bạn trẻ của Việt Nam bình luận bên dưới bài viết bày tỏ sự hoang mang, dao động trước thông tin đó. Đọc bài viết và những lời bình luận đó, em sẽ phản ứng như thế nào?
BGH nhà trường và toàn thể giáo viên dự giao lưu, chia sẻ, rút kinh nghiệm sau tiết dạy chuyên đề.
Có thể nói, sự nghiêm túc trong chuyên môn, sự nhiệt tâm, sáng tạo, cầu thị là những yếu tố làm nên thành công cho tiết học của cô giáoTrần Thị Nghĩa. Học sinh được rèn luyện phương pháp học tập dự án nên thực sự tích cực, chủ động trong cả quá trình: trước, trong và sau giờ học cũng là yếu tố quan trọng mang đến thành công cho giờ chuyên đề.
BGH nhà trường và toàn thể GV dự giao lưu, chia sẻ, rút kinh nghiệm sau tiết dạy chuyên đề.
Kết thúc tiết học, giờ dạy đã nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ. Đại diện của trường THCS Viên An, Hoàng Liệt, Yên Sở, Tân Mai, Giáp Bát… đã có chung ý kiến với thầy Đăng của trường THCS Hòa Lâm: “Đã rất lâu rồi tôi mới được dự một tiết chuyên đề đầy cảm xúc như vậy, thật sự rất cảm ơn trường THCS Đền Lừ đã mang lại cho tôi cảm xúc này và tôi rất khâm phục đối với cô Nghĩa vì đã biến một chủ đề rất khô, khó và mới trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa như vậy”.
Sau tiết chuyên đề, không chỉ giáo viên và nhà trường sở tại mà mỗi người tham dự đều đã học hỏi, thu nhận cho mình thêm nhiều điều ý nghĩa, giá trị của những tiết chuyên đề như vậy sẽ được lan tỏa. Điều này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giảng dạy của giáo viên trong quận khi dạy các tiết học chủ đề nói riêng cũng như môn Lịch sử - Địa lí nói chung.
TRƯỜNG THCS ĐỀN LỪ