an ninh - quốc phòng

Những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật về Hộ tịch
Ngày đăng 29/10/2020 | 14:51

Luật Hộ tịch đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua và hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật ra đời đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn định và đi vào nề nếp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện

     Các cơ quan thực hiện việc đăng ký hộ tịch đã ý thức được trách nhiệm của mình, người dân đã nhận thức tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt; tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật. Công chức Tư pháp các cấp đã xác định được tầm quan trọng của công tác này nên đã tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; thường xuyên tham gia tập huấn, tự nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kỹ năng giải quyết công việc với từng tình huống cụ thể, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hộ tịch góp phần làm giảm đáng kể các vụ việc khiếu nại, tố cáo về hộ tịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký hộ tịch còn gặp những khó khăn, vướng mắc như sau:

     1. Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch: Luật Hộ tịch chưa quy định cụ thể như thế nào là “định cư ở nước ngoài” nên đã gây khó khăn trong việc phân định thẩm quyền giữa UBND cấp xã và cấp huyện. Cụ thể, Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn của UBND huyện như sau: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài” và theo Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài". Vậy thế nào là “sinh sống lâu dài ở nước ngoài”, hiện nay Luật Quốc tịch, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

     2. Về đăng ký khai sinh: Luật Hộ tịch không quy định công dân được cấp lại bản chính giấy khai sinh. Qua thực tế, quy định này gây khó khăn cho công dân, bởi vì, một số cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu có bản chính để đối chiếu. Mặt khác tâm lý của người dân luôn muốn có bản chính giấy khai sinh, do đó nhu cầu cấp lại bản chính giấy khai sinh của người dân là rất cần thiết nên cần sửa đổi Luật Hộ tịch cho phép UBND cấp huyện được cấp lại bản chính giấy khai sinh như quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trước đây. 

     3. Về đăng ký lại khai sinh: Tại Điểm c Khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định “Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý”. Quy định như trên chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang, còn một số đối tượng khác như hưu trí, thương binh hay những người làm việc trong các Công ty, Tổng Công ty thì không được áp dụng quy định nêu trên. Trong khi họ cũng cần thống nhất giữa giấy tờ tùy thân và hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

     + Tại Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định về điều kiện bản chính vẫn còn nhưng bị hư hỏng, rách nát thì có được đăng ký lại hay không.

     + Theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Giấy Đăng ký khai sinh lại được xem như Giấy Đăng ký khai sinh gốc. Nhưng trên thực tế không có Điều, Khoản nào quy định nội dung này nên trong quá trình thực hiện một số cơ quan không căn cứ vào Giấy Đăng ký khai sinh lại. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc giải quyết, hướng dẫn cho người dân thống nhất các nội dung liên quan đến vấn đề nhân thân của bản thân.

     + Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm “Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh” nhưng nội dung cam đoan này không có trong mẫu Tờ khai. Việc cam đoan này được thực hiện như thế nào, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

     4. Về đăng ký khai tử: Khoản 1 Điều 34 Luật Hộ tịch quy định: “Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay thế giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch”. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử. Tuy nhiên, hiện tại chưa có văn bản quy định cụ thể về mẫu giấy báo tử nên gây lúng túng cho UBND cấp xã trong việc thực hiện cấp giấy báo tử cho người chết trên địa bàn, cũng như trong việc thực hiện đăng ký khai tử.

     + Điều 32 Luật Hộ tịch quy định “UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử”. Điểm đ  Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau: “Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì UBND cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử”.Quy định cấp Giấy báo tử như vậy chỉ phù hợp với trường hợp người chết nằm ngoài địa bàn cư trú, còn trường hợp người chết tại nơi cư trú là không phù hợp vì UBND xã nơi cư trú của người chết vừa cấp giấy báo tử vừa đăng ký khai tử làm tăng thêm thủ tục không cần thiết.

     5. Về cải chính hộ tịch: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Hộ tịch “Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch”. Vậy việc thực hiện cải chính Giấy Chứng nhận kết hôn thì cả vợ và chồng đều làm Tờ khai hay chỉ người yêu cầu cải chính làm Tờ khai.

     + Tại mặt sau của Giấy khai sinh và Giấy chứng nhận kết hôn, “phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này”, có quy định đóng dấu vào nội dung thay đổi, cải chính; đối với trường hợp thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch của UBND cấp huyện thì công chức phòng Tư pháp thực hiện ghi chú. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào quy định rõ đóng dấu của UBND cấp huyện hay dấu của phòng Tư pháp.

     + Trường hợp có sự sai lệch thông tin giữa Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch thì căn cứ vào loại giấy tờ nào để thực hiện việc cải chính. Hiện chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này nên gây khó khăn cho công chức Tư pháp - hộ tịch trong quá trình giải quyết.

     + Đối với “quê quán” của công dân, pháp luật về hộ tịch chỉ quy định thực hiện cải chính trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch nhưng không quy định được thay đổi từ quê quán của bố sang quê quán của mẹ và ngược lại. Điều này đã gây khó khăn, vướng mắc cho người dân trong việc thống nhất các thông tin nhân thân trong các loại giấy tờ của bản thân.

     6. Quy định về thu hồi hủy bỏ giấy tờ hộ tịch: Tại Điểm h Khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện là thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định của Luật Hộ tịch nhưng Luật không quy định trình tự, thủ tục về thu hồi hủy bỏ gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh