di tích lich sử văn hóa

Đình Linh Đàm và Lễ hội thờ Thủy Thần
Ngày đăng 23/03/2022 | 16:15  | View count: 654

Liên Đàm nghĩa là đầm Sen, một trong những tên gọi xa xưa của đầm Linh Đường. Sở dĩ đầm có tên gọi là Liên Đàm vì khi xưa đầm nổi tiếng có nhiều hoa sen. Trước đây đầm thuộc phủ Giao Châu còn được gọi là Long Đàm, đến đầu thế kỷ XX, đầm Linh Đường còn được các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn ngợi ca là Kinh Nguyệt hồ:

“Nhật trình từ Ráy đến Ô

Bây giờ ta kể duyên do các làng

Tứ Kỳ ở đó rõ ràng

Trông lên lại thấy một làng Pháp Vân

Trông xa rồi lại trông gần

Đại Từ trước mặt, sâu lưng Linh Đường”.

     Như vậy trước kia cũng như bây giờ làng Linh Đường nằm lọt giữa ba làng Tứ Kỳ, Pháp Vân, Đại Từ và gần như một hòn đảo nổi lên bên phía nam của đầm Linh Đường. Hình ảnh của Linh đường được sử gia Phan Huy Chú khắc họa khá rõ nét trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” NXB KHXH, Hà Nội năm 1992, tr86 “Làng Linh Đường ở huyện Thanh Trì, cạnh có cái đầm nước trong kiểu đất mở ra như tấm gương hình như mày ngài”. Ngôi đình Linh Đường hiện nay thuộc phường Hoàng Liệt, ngôi Đình tọa lạc trên một địa thế đẹp, vốn là một gò đất cao, nhìn ra đầm Linh Đàm tạo thế “Nhà trên ao dưới”.

     Từ ngoài vào là nghi môn ngoại xây kiểu tam quan, bên trên có các góc đao cong, bên dưới tạo cửa cuốn vòm. Tiếp đến là nghi môn xây kiểu tứ trụ, đỉnh trụ giữa đắp hình trái giành, phần ô lồng đèn đắp đề tài tứ quý, thân trụ bổ khung đắp các đôi câu đối, đỉnh hai trụ bên là đôi Nghê, thân trụ bổ khung. Phía trước Đình là bức bình phong đắp dạng cuốn thư. Tiếp đến là một khoảng sân rộng lát gạch bát dẫn vào khu thờ. Nhà tiền tế gồm 5 gian 2 chái, mái lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh. Các bộ vì đều có kết cấu theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ kẻ”. Giá chiêng được tạo thành bởi hai cột trốn đặt trên câu đầu to, dày. Đầu kẻ ăn sâu vào chân mộng, cột quân và cột hiên. Các hàng cột đặt trên các chân tảng bằng đá. Bộ khung đại đình được trang trí tỉ mỉ, tạo các bộ vì trang trí hoa lá, vân mây, bằng kỹ thuật chạm nổi, đường nét to mập, cân xứng với kích thước các rường. Đầu kẻ chạm sâu vào các hình rồng mây.

     Hậu cung gồm ba gian sát sau trung tế, xây kiểu tường hội bít đốc. Bộ vì đỡ mái làm kiểu “ván mê đắp hình hổ phù”. Kết cấu ngôi Đình là hình chữ “Công”.

     Hiện tại Đình còn bảo lưu được 15 đạo sắc phong, trong đó đạo sắc có niên đại sớm nhất là niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783); một cuốn thần tích do Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc (1572); 01 tấm bia đá “Phụng sự hậu thần bi ký” niên đại Chính Hòa 10 (1689)… là những nguồn sử liệu góp phần phản ánh niên đại tồn tại của ngôi Đình và nội dung văn bia phản ánh những quy định của việc quản lý qua các triều đình đối với các di tích tín ngưỡng trong lịch sử.

     Người dân nơi đây rất tự hòa về ngôi Đình nơi thờ Đức Thánh Bảo Ninh vương theo truyền thuyết là Thủy thần vì hâm mộ tài đức của thầy giáo Chu Văn An mà lên xin được nhận là học trò và có công làm mưa chống hạn cho dân làng. Sự tích về câu chuyện Thủy thần có thể là huyền thoại nhưng có một thực tế là nó gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp nước ta. Trong sách “Lĩnh Nam Chích quái” của tác giả Vũ Quỳnh – Kiều Phú, thần còn có tên là “Thần Chằm Lân Đàm”.

     Dân làng Linh Đàm hàng năm tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày mùng 10 tháng hai, lễ hội được diễn ra như sau:

     Ngày mùng 9 tháng 02 dân làng dọn dẹp vệ sinh đường ngõ xóm và lau rửa các đồ tế lễ Đình, lắp ráp kiệu. Xưa làng có hai Giáp (giáp Thượng và giáp Đông), mỗi giáp có một ao chung, trai đinh sẽ tát ao dánh cá, chọn con to để hôm sau làm cỗ thờ.

     Ngày mùng 10 chính hội, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống. Sau những nghi lễ tế thần do các cụ ông dậy từ năm giờ sáng, làng tưng bừng vào cuộc rước, hai cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng được kê đặt ngay ngắn ở trước cửa Đình; cụ Thủ từ cùng các cụ chức sắc của làng vào hậu cung mang long ngai, bài vị Đức Thánh Bảo Ninh vương và một chóe nước lớn ra đặt vào kiệu; lại vào hậu cung đem ra chiếu bài vị bà Chúa Trần Thị Ngọc Tể (thờ hậu) ra đặt vào kiệu thứ hai. Đám rước được tiến hành theo trật tự sau:

     Đi đầu là đội cờ, tiếp đến đội nhạc trống, đội bát âm, đặc biệt đội nhạc có một chiếc Cồng lớn do một cụ già đánh (tạo ra hiệu lệnh dẫn độ kiệu Thánh). Sau đó là kiệu Đức Thánh do 18 thanh niên chưa có gia đình đổi vai nghênh rước tục gọi là kiệu Thánh Ông; tiếp đến là kiệu bà Chúa Trần do 18 con gái làng chưa chồng đổi vai rước, tục gọi là kiệu bà Chúa. Phù giá kiệu là người cầm lọng, cầm tàn và dân làng.

     Hội rước khởi hành vào bảy giờ sáng từ đình làng đi quanh làng Linh Đàm, qua làng Đại Từ xuống tới vực Tựu - Tựu Liệt - Tam Hiệp - Thanh Trì. Tương truyền đàm Tựu là dấu tích nơi Đức Thánh Bảo Ninh bị trời phạt. Các cỗ kiệu được đặt bên bờ vực Tựu, các bô lão đón chóe nước xuống và tế lễ chọn giờ tốt lấy nước cho vào chóe đón tay nhau đưa chóe nước vào kiệu làm lễ tạ và rước kiệu Thánh, kiệu chúa về đình làng, hoàn giá Thánh vào cung, lại đặt chóe nước vào ban thờ Thánh, nước này dùng làm nước cúng thần quanh năm.

     Sau đó bô lão trong làng tiếp tục tổ chức tế lễ, điều dặc biệt là mâm cúng thủy thần gồm những cá to đánh bắt từ ao làng đều phải chặt bỏ đầu, có món nướng hoặc rán chín và món cá nấu dấm rượu và nghệ. Việc cúng lễ có hèm bỏ đầu, liên quan đến sự tích vị Thủy thần làng Linh Đàm thờ bị trời phạt đánh mất đầu chỉ còn thân xác nổi lên ở đầm. Ngoài ngày lễ hội chính hàng năm vào ngày 16 tháng 8 âm lịch là ngày hóa của Thành hoàng làng, nhân dân tổ chức làm tại Đình. Trước đây các bô lão đại diện các thôn trong Tổng tụ họp ở miếu Gàn, (tương truyền là nơi Thủy thần từ đầm Linh Đàm hiện thân thành người đến Cung Hoàng học thầy Chu Văn An) để bàn việc tổ chức tế lễ, sau đó các bô lão đi thắp hương Đức Thánh Bảo Ninh vương ở Thanh Liệt. Việc rước lễ trước tiên từ đình làng đến miếu Gàn, hạ kiệu cỗ trước miếu để quan viên, bô lão vào tế. Tế xong đến chiều các thôn rước kiệu trở lại đình làng. Sau này việc tổ chức rước lễ và tế hàng tổng không còn duy trì như cũ nữa.

     Với nhiều giá trị lịch sử văn hóa, đình Linh Đàm đã được bộ văn hóa thông tin xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 1460/QĐ-VH ngày 28/6/1996./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận