di tích lich sử văn hóa

Di tích lịch sử đình Tương Mai
Publish date 12/01/2022 | 15:26  | View count: 772

Nằm trên dải đất phía nam thủ đô Hà Nội có một di tích tên gọi là Đình Tương Mai tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Đây vốn là đất phong làm Thái ấp của Trần Khát Chân khi Ông có công bắn chết vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga trong lần ra quấy phá kinh Thành Thăng Long năm 1389.

     Tương Mai vốn là một bộ phận của vùng đất Kẻ Mơ xưa (Cổ Mai), bao gồm các làng: Mơ Cơm (Tương Mai), Mơ Thịt (Bạch Mai), Mơ Đậu, Mơ Táo (Mai Động) và Mơ Rượu (Hoàng Mai). Tích rằng cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, làng Tương Mai vốn thuộc một thôn (làng) thuộc Tổng Hoàng Mai, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1931 đổi thành tỉnh Hà Nội), làng này vốn thuộc xã Hoàng Mai sau năm 1956 đổi tên thành xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông đến năm 1961 huyện Thanh Trì thuộc Thành phố Hà Nội. Tháng 11/1982 thôn Tương Mai tách khỏi xã Hoàng Văn Thụ để thành lập phường Tương Mai thuộc quận Hai Bà Trưng và đến tháng 11/2003 thuộc quận Hoàng Mai khi thành lập mới.

     Tươg Mai vốn là một làng cổ, một địa dư nổi tiếng trên con đường kinh lý phía nam trước khi vào nội thành Hà Nội, khu vực này là một “dịch trạm - nơi nghỉ chân, nơi nghỉ ngơi” cho các đoàn kinh lý hoặc thương nhân ra Hà Nội công cán hoặc buôn bán.

     Cảnh quan vùng đất Cổ Mai sầm uất, sớm đi vào thi ca và được danh nhân Nguyễn Trãi ca ngợi trong cuốn “Dư địa chí: Ở vùng ấy, đất thì đỏ, dính màu mỡ cùng sắc xanh đen, ruộng thì vào hạng thượng thượng,... xã Hoàng Mai, xã Bình Vọng có rượu sen, rượu cúc nổi tiếng khắp vùng”. Do đó đất Hoàng Mai có sức hấp dẫn, nhiều hoàng thân quốc thích, vương phi, quận chúa, quan lại của các triều đại trước đây đã đến du ngoạn và đóng góp công sức, tiền của tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng nổi tiếng trong vùng.

     Theo các tư liệu thần tích, sắc phong cùng truyền thuyết trong dân gian địa phương, đình Tương Mai được dựng lên nhằm tôn vinh, thờ phụng vị anh hùng dân tộc - Thượng tướng Trần Khát Chân - một nhân vật lịch sử lớn của vương Triều Trần. Tên tuổi của Ông gắn liền với nhiều pho sử của đất nước như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử Thông giám cương mục”, công tích của Ông có thể tóm tắt như sau:

     Trần Khát Chân (1370-1399) hiệu là Quang Thái, Ông thuộc dòng dõi danh tướng Trần Bình Trọng. Năm 19 tuổi, Ông đã giữ chức Đô úy. Lúc này Triều Trần bước vào thời kỳ suy yếu, quan lại quý tộc ăn chơi sa đọa, nhân dân khổ cực lầm than, nạn ngoại xâm luôn luôn đe dọa, trong đó vào các năm 1371, 1378 quân Chiêm Thành vào đốt phá kinh thành Thăng Long. Năm 1389 vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga lại đem quân vượt biên giới ra đánh phá. Hồ Quý Ly là trọng thần được cử đi đánh dẹp nhưng bị thua trận ở mạn Thanh Hóa phải chạy về Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lo sợ, cử Trần Khát Chân đi cản giặc. Ông vâng lệnh, mà tâu rằng “Chiêm Thành vốn là đất dung phụ của ta, trước đây thường sang chúc cống phẩm, về sau lấn cướp kinh thành, phạm tới xa giá nhà vua, tôi thà chết chứ không thể dung chúng được. Nguyên soái (tức Hồ Quý Ly) đã bị thua, nay tôi vâng lệnh bệ hạ, nếu bình được giặc thì có ngày về, bằng không ngày về không có,...”, Vua Trần cảm động rỏ nước mắt tiễn đưa. Trần Khát Chân dẫn quân đi đường thủy đến sông Hoàng Giang thì gặp giặc, xem địa thế chỗ ấy thì không thể đánh giặc được, mà lui quân về sông Hải Triều cố thủ. Vua Chiêm thành cùng một số tùy tướng dùng thuyền nhẹ lướt tới, được hàng tướng Chiêm Thành là Ba Kê Lậu chỉ cho biết thuyền của Chế Bồng Nga, Trần Khát Chân sai bắn hỏa pháo vào thuyền vua Chiêm Thành. Chế Bồng Nga bị bắn chết, quân Chiêm Thành mất vua như rắn mất đầu phải tháo chạy. Trần Khát Chân cho bỏ đầu của Chế Bồng Nga về dâng vua Trần lúc này đang di giá về bến Bình Than tránh giặc. Thượng Hoàng và vua Trần đang ngủ thấy đầu vua Chiêm Thành giật mình kinh sợ sau biết rõ sự tình thì vui mừng khôn xiết, liền cho gọi văn võ bá quan đến xem thủ cấp của vua Chế Bồng Nga và bảo rằng “Ta với Chế Bồng Nga chống nhau đã lâu, nay mới thấy mặt, khác nào Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ”. Từ chiến công hiển hách này Trần Khát Chân được phong chức Thượng Tướng Quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu và phong cho vùng đất Kẻ Mơ phía Nam kinh thành Thăng Long làm thái ấp.

     Năm 1399 thấy Hồ Quý Ly chuyên quyền, Trần Khát Chân cùng một số thân tín và hoàng thân quốc thích triều Trần, bày mưu ám sát Hồ Quý Ly ở Hội thề Đốn Sơn (nay là huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nhưng việc không thành, cơ mưu bị bại lộ Ông và đồng đãng hơn 370 người bị Hồ Quý Lý sai xử chém trên núi Đốn Sơn. Người xưa truyền lại rằng “Khát Chân khi sắp bị chém trên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như sống, ruồi nhặng không dám động vào” (Đại Việt sử ký toàn thư - NXB KHXH, Hà Nội 1971, tập II, trang 225-226).

     Sau khi danh tướng Trần Khát Chân và gia tướng, thân thích bị sát hại, vùng đất Kẻ Mơ (Cổ Mai) cũng bị triệt phá, điêu tàn. Đầu thế kỷ XV, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi,vương triều Lê sơ đã biểu dương công tích của Trần Khát Chân và cho phép các làng trong khu vực Thái ấp cũ của ông được lập Đình, Đền thờ Ông và các gia tướng, tôn vinh Ông là Đức Thánh Thành hoàng làng.

     Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc, Đình Tương Mai nhiều lần được trùng tu tôn tạo. Năm 1989, Đình xây thêm 5 gian Đại bái bằng bê tông, năm 2003 Đình được trùng tu tôn tạo lại với kiến trúc hiện đại bê tông giả gỗ nhưng vẫn đảm bảo hình dáng kiến trúc của một ngôi đình làng truyền thống.

     Ngoài những giá trị về lịch sử, trong Đình còn lưu giữ nhiều di vật quý như: hai pho tượng đá, tương truyền là tượng Trần Khát Chân và tỳ tướng Phạm Ngưu Tất, một quả Chuông đồng có niên đại Thành Thái thứ 10 (1898), 11 đạo sắc phong thần, đạo sắc phong sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng Nguyên niên (1740), sắc phong muộn nhất có niên hiệu Khải Định 9 (1924), 03 đôi hạc rùa bằng đồng; hương án, hoàng phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự cổ là các di vật cổ có giá trị văn hóa còn lưu giữ bảo quản tại di tích, trong đó đôi câu đối cổ có nội dung:

  “Phù Trần chúa, bình Chiêm thành, triều đại kỷ canh công bất hủ

  Phỏng Mai thôn, vọng Đốn Lĩnh, giang sơn y cựu miếu trùng quang”

  Nghĩa là:

 “Phù vua Trần, dẹp quân Chiêm, bao triều đại đổi thay công lao không mai một

  Thăm làng Mơ, ngắm núi Đốn, giải non sông nguyên vẹn, đền miếu vẫn uy nghi”

     Để tưởng nhớ công ơn của Trần Khát Chân, hàng năm vào ngày 24 tháng 4 âm lịch lễ hội truyền thống Đình Tương Mai được tổ chức, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán ngày 7 tháng giêng ở đây có tục rước, khao lão ra Đình để thụ hưởng hoa quả phẩm oản nhằm tôn vinh các cụ bô lão từ “Thất thập cổ lai hy” trở lên. Dù có nhiều biến thiên thăng trầm của thời cuộc các giá trị văn hóa kiến trúc và tục lễ tín ngưỡng thờ phụng Trần Khát Chân vẫn được các thế hệ người làng Tương Mai xưa nay là phường Tương Mai lưu giữ, bảo tồn ngày một uy nghi, đẹp đẽ khang trang để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh thành hoàng làng - Thượng tướng Trần Khát Chân./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận