di tích lich sử văn hóa

Lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp
Publish date 14/01/2022 | 17:26  | View count: 564

Lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội; nơi này nổi tiếng với nhiêu danh nhân, nhà khoa bảng nổi danh của các triều đại trước, như: Nguyễn Công Thể (1684 - 1758), Nguyễn Văn Siêu (1796 - 1872) và Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902).

     Quê hương của các danh nhân này theo tên thôn gọi là làng Lủ, tên chữ là Kim Giang. Họ Nguyễn của các nhà khoa bảng trên, gốc tích ở Kim Lũ - Lủ Trung. Kim Lũ chữ hán có nghĩa là “sợi tơ vàng, sợi kim tuyến”. Đó là vùng vùng đất địa linh nhân kiệt, có con sông Tô Lịch trong xanh uốn khúc chảy qua mà xưa kia người ta cho rằng ở đấy có thế đất “cận Đế vương”; có nhiều truyền thuyết và sự kiện lịch sử gắn với các triều đại phong kiến mà ba danh nhân họ Nguyễn này là người trong cuộc.

     Theo truyền thống thường thì dòng họ nào cũng có nhà thờ. Đó là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Những dòng họ có người đỗ đạt, làm quan, nhà thờ, họ thờ thủy tổ, các đời đến phân chi, dòng họ Nguyễn ở Kim Lũ do đặc điểm có người đỗ đại khoa, làm quan trong các triều Lê - Nguyễn nên các vị danh nhân này có nhà thờ riêng.

     Theo sử sách ghi lại trong vòng trời đất chưa đầy 200 năm, một làng và đặc biệt là một dòng họ có ba người đỗ đại khoa, nổi danh quan trường và sự nghiệp như họ Nguyễn này ở Lư Trung thật là hiếm. Đời thứ 10, chi trưởng có Phó bảng Nguyễn Văn Siêu và chi thứ có Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902). Cuộc đời Nguyễn Trọng Hợp sau khi Ông thi đỗ Tiến sỹ năm Tự Đức thứ 18 (1865) trải 7 triều vua: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái. Ông giữ nhiều trọng trách trong triều:

- Phụ chính Đại thần;

- Văn minh điện Đại Học Sỹ;

- Quốc sử quán Tổng Tài.

     Và những trọng trách khác như: Thượng thư Bộ Lại; Đại thần Viện cơ Mật; Phủ doãn Thừa thiên; Tuần Phủ Hà Nội; Kinh lược sứ Bắc Kỳ...

     Nguyễn Trọng Hợp làm quan trong bối cảnh lịch sử, thực dân Pháp đã đánh chiếm Nam kỳ, đang từng bước lấn ra Bắc kỳ. Triều đình nhà Nguyễn bất lực “vua là tượng gỗ, dân là thân trâu”. Tầng lớp quan lại và sỹ phu có những tư tưởng khác nhau “chủ chiến, chủ hòa”, “canh tân và bảo thủ”. Phong trào yêu nước, chống thực dân nổi lên nhiều anh hùng hào kiệt, như Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và cũng không ít những kẻ cơ hội (phái chủ hòa) như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân và những người chủ trương Canh tân như Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ...

     Là một đại thần trong triều, Nguyễn Trọng Hợp phải chèo lái để bảo vệ quyền lợi cho triều đình, cho đất nước “Nay vâng lệnh triều đình đi sứ/ sắc cầm tay khó xử muôn phần”... nhưng Ông đã tỏ ra là một nhà ngoại giao mưu lược “Chấp nhận tai họa nên chọn cái nào nhẹ” (Đại nam thực lục chính biên tứ kỷ). Ông là người từ chối Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp. Cuối đời, Pháp trao lần thứ hai nhưng Ông không bao giờ đeo.

    Tại lăng mộ Nguyễn Trọng Hợp hiện còn tấm bia mộ do Thám hoa Vũ Phạm Hàm, Đốc học tỉnh Hà Nội soạn có đoạn ca ngợi Ông “...vừa khi Hà Bắc nhốn nháo, Đông Kinh giặc dữ xéo dày. Thành rồi bại cuốn cờ sụp đổ, loạn quân thì đóng trống dong cờ, mây mờ sập tối. Ông vâng mệnh vua phò nguy xem xét sự cơ, đem điều lợi mà dụ bảo, nhân nghĩa hiện lên vẻ mặt, nói năng tốt đẹp tự lòng. Nhờ vậy các vùng thúy sơn lại nở rộ, Long Biên phù tiết lần nữa ủy trao. Ông hết lòng vì việc nước, vua một lòng ký thác nơi Ông, hẳn là bắt đầu từ đây...”.

     Công việc triều chính bận rộn, ông vẫn tâm huyết cho việc giáo dục đạo đức, điều lệ. Ông đã xin khắc và in bộ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”. Với cương vị là Tổng tài Quốc Sử quán, Ông biên soạn các bộ sử: Minh Mệnh chính yếu; Đại Nam chính biên liệt truyện; Nhật lịch ước biên và cho ra đời tập thơ “Kim Giang thi tập” để ca ngợi về cảnh và người ở quê hương, đất nước và những điều mắt thấy tai nghe khi đi sứ nước ngoài.

     Ngày nay đến thăm nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp, người ta thấy một khuôn viên giản dị với cổng nhà thờ có ba chữ “Kỷ ân môn - Ra vào cổng này nhớ công ơn người trước” bức bình phong, nhà thờ kiểu chữ “Nhị” nhà ngang hai nếp... nhưng sau này mới biết cơ ngơi này là do con cụ xây dựng chứ cụ “Phụ chính đại thần” chỉ có nhà lá thôi.

     Một nhà khoa bảng lừng danh, làm quan đến Phụ Chính Đại thần, ra bắc vào nam sang cả Pháp để lo việc nước, nhưng cuộc đời thanh liêm xứng đáng là một nhà tư tưởng đổi mới, một nhà thơ, nhà sử học uyên bác, một nhân cách lớn để người đời kính trọng, tôn vinh./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận