di tích lich sử văn hóa

Khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Văn Siêu (1796 - 1872)
Publish date 14/01/2022 | 17:29  | View count: 441

Khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Văn Siêu (1796 - 1872) thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội nơi này nổi tiếng với nhiêu danh nhân, nhà khoa bảng nổi danh của các triều đại trước, như: Nguyễn Công Thể (1684 - 1758), Nguyễn Văn Siêu (1796 - 1872) và Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902).

     Quê hương của các danh nhân này theo tên thôn gọi là làng Lủ, tên chữ là Kim Giang. Họ Nguyễn của các nhà khoa bảng trên, gốc tích ở Kim Lũ - Lủ Trung. Kim Lũ chữ hán có nghĩa là “sợi tơ vàng, sợi kim tuyến”. Đó là vùng vùng đất địa linh nhân kiệt, có con sông Tô Lịch trong xanh uốn khúc chảy qua mà xưa kia người ta cho rằng ở đấy có thế đất “cận Đế vương”; có nhiều truyền thuyết và sự kiện lịch sử gắn với các triều đại phong kiến mà ba danh nhân họ Nguyễn này là người trong cuộc.

     Theo truyền thống thường thì dòng họ nào cũng có nhà thờ. Đó là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ,... Những dòng họ có người đỗ đạt, làm quan,... nhà thờ, họ thờ thủy tổ, các đời đến phân chi, dòng họ Nguyễn ở Kim Lũ do đặc điểm có người đỗ đại khoa, làm quan trong các triều Lê - Nguyễn nên các vị danh nhân này có nhà thờ riêng.

     Di tích lưu niệm nhà thờ Nguyễn Văn Siêu gồm các hạng mục: cổng, sân, nhà thờ chính ba gian xây kiểu đầu hồi bít đốc, tay ngai. Vì kèo kết cấu nhà thờ chính kiểu thượng giá hạ chiêng hạ kẻ truyền, mái lợp ngói ta. Các đề tài trang trí là “Tứ linh”, “Tứ quý” nhưng độc đáo là trên diềm mái còn khắc một số bài trâm do đích thân Nguyễn Văn Siêu biên soạn.

     Về nội thất: gian giữa nhà thờ, thờ cụ Tổ họ và hai cụ Tổ phân chi; gian bên phải thờ danh nhân Nguyễn Văn Siêu, gian bên trái thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300) và Hoàng Giáp - Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) Kinh sư Đại doãn thời Trần. Sinh thời Nguyễn Siêu với tấm lòng tôn kính vĩ nhân và yêu nước đã thờ hai Ngài tại tư gia ở Thăng Long.

     Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Siêu theo gia đình rời làng Lủ ra phố phường nội thành. Nhà ở giáp Giang Nguyên, phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương ngay bên bờ sông Tô Lịch. Di tích ngôi nhà này bây giờ ở phố Nguyễn Siêu, vốn là ngôi Đình cũ của giáp Giang Nguyên nơi Nguyễn Văn Siêu sau khi mất được tôn làm Thành hoàng thờ chung với Tô Lịch Giang thần và Kinh sư Đại doãn Nguyễn Trung Ngạn.

     Tuổi trẻ Nguyễn Văn Siêu theo học thầy Phạm Quý Thích, năm 26 tuổi Ông thi đỗ Á Nguyên (Cử nhân thứ hai), tiếp đó 13 năm Ông ở nhà đọc sách và dạy học.

     Vào năm 1838, bước vào tuổi 40, Nguyễn Văn Siêu cùng bạn vong niên là Cao Bá Quát (kém ông 10 tuổi) vào Huế thi hội. Nguyễn Văn Siêu chỉ trúng Phó bảng nhưng nổi tiếng là “Tràng An tứ kiệt”. Vua Minh Mệnh cử ông giữ chức Hàn Lâm viện Kiểm thảo. Năm sau được thăng Chủ sự Bộ Lễ rồi thăng Viên Ngoại lang Bộ Lễ.

     Năm 1840 vua Thiệu Trị lên ngôi rất chú ý đến tài năng của Nguyễn Văn Siêu nên đã chuyển ông về nội các làm Thừa Chỉ và trao thêm chức Thị Giảng cho hai hoàng tử là Hồng Bảo và Hồng Nhậm (là vua Tự Đức sau này).

     Năm 1850 khi đi sứ nhà Thanh về, Ông soạn xong tác phẩm “Vạn lý tập dịch trình tấu thảo” ghi chép về tình thế non sông, phong tục, được vua khen và thăng chức Học Sỹ Viện Tập Hiền, năm sau thăng Án Sát Hà Tĩnh, Án Sát Hưng Yên kiêm quản Tuần phủ.

     Vốn có lòng yêu nước thương dân, Ông thường gửi về triều đình nhiều bản điều trần về dân tình, đê điều,... nhưng không hợp ý vua. Năm 1853, Ông bị giáng trật. Năm 1854, Ông xin từ quan về Hà Nội ở ngôi nhà cũ dạy học, soạn sách, làm thơ và để lại cho đời nhiều tác phẩm, như: Phương đình địa dư chí; Phương đình thi tập; Phương đình văn tập; Phương đình vạn lý tập; Chư kinh khảo ước; Chư sử khảo thích... đó là những tác phẩm văn, thơ, nghiên cứu về địa lý, lịch sử, triết học nổi tiếng.

     Khi từ quan, là chi trưởng của ngành đại tôn, Ông cho xây dựng nhà thờ dòng họ ngay trên nhà ở của Ông và đặt là “Nguyễn tộc từ đường”, nhà thờ được xây dựng vào năm “Tự Đức thập thất niên thượng nguyên Giáp Tý xuân chính nguyệt” (rằm tháng giêng năm Tự Đức 17 - 1864), năm 1872 khi danh nhân Nguyễn Văn Siêu qua đời, con cháu đã an táng ông tại quê nhà và rước di ảnh, bài vị Ông về thờ tự tại đây.

     Đối với Hà Nội, Ông là người sống và dạy học ở đây. Trong thơ Ông có nhiều bài ca ngợi cảnh đẹp Tây Hồ, sông Nhị Khuê và cũng chính Ông là người đứng ra sửa sang Đền Ngọc Sơn, xây dựng bút tháp, Đài Nghiêm, cầu Thê Húc, Đình Trấn Ba,... nhà thơ Vũ Tông Phan (cuối thế kỷ XIX) ca ngợi Ông:

Nhất đại Phương đình bút

Thiên thu kiếm thủy biên

(Bút Phương đình một đời

Bên hồ Gươm muôn thưở).

     Ngày nay khi đến thăm nhà thờ Nguyễn Văn Siêu các di vật quý như bia đá, hoành phi, câu đối, các bài trâm khắc trên ván gió nhà thờ do Ông viết vẫn còn. Đặc biệt ở nhà thờ có bức chân dung ông đang ngồi giảng bài, xung quanh có nhiều học trò nghe giảng do một họa sỹ người Trung Quốc vẽ năm “Tự Đức Mậu Thìn thu” (1868). Danh nhân Nguyễn Văn Siêu “Thần Siêu, thánh Quát” ... như vẫn còn đó:

“Thế đức thế văn khai tử tính

Tư hương tư vũ tụy thanh linh” (hai câu đối ở nhà thờ)

“Đức truyền đời mở mang cho con cháu

Quê hương này, ngôi nhà này tụ hội sự linh thiêng”./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận