di tích lich sử văn hóa

Di tích lịch sử Đình Hoàng Mai
Publish date 28/02/2022 | 15:36  | View count: 907

Hoàng Mai xưa còn có tên gọi là Cổ Mai - Kẻ Mơ vì trước đây là vùng chuyên trồng các loại mơ - mai; là vùng đất liền kề các cửa ô phía Nam của kinh thành Thăng Long, tại đây có ngôi Đình cổ mang tên Hoàng Mai thờ vị danh tướng Trần Khát Chân.

     Đình Hoàng Mai cùng với di tích chùa Nga My liền sát có vị trí trên gò đất cao của làng Hoàng Mai; cảnh quan trước đây được mô tả rõ trên bia đá của chùa Nga My “Trùng tu Nga My tự bi văn” năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1642), như sau: “...ở làng lớn Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, từ xưa đến nay đã là một danh lam ở ngoại thành vậy. Hình thế của nó thì: phía Tây bắc - Đại La dáng hổ ngồi, phía Đông nam – Nhị hà như rồng cuốn, nhà sáng hiên sâu, rực rỡ huy hoàng như chim Tước đỏ, trong đó Đình thiêng, Đền thần đối nhau ở phái Tây...”. Như vậy cảnh trí khu di tích từ xa xưa đã nức tiếng với thế rồng cuộn - hổ ngồi. Địa linh ắt có nhân kiệt, do vậy tương truyền mảnh đất này chính là Thái ấp của Thượng tướng quân, tước Vũ hầu - Trần Khát Chân (1370-1399) lẫy lừng cuối triều Trần.

     Thần phả, sắc phong của Đình và truyền thuyết dân gian trong vùng cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu về danh tướng Trần Khát Chân, đó là những trang sử đầy hào hùng và bi tráng của người anh hùng tận trung với nước trong thời kỳ vương triều Trần suy vi. Theo đó, Thượng tướng Trần Khát Chân hiệu là Quang Thái, là hậu duệ của Bảo Nghĩa vương - Trần Bình Trọng. Sinh ra và lớn lên trong cảnh vua tôi nhà Trần đã rất suy yếu, quan lại quý tộc ăn chơi sa đọa, nhân dân khổ cực lầm than, nạn ngoại xâm luôn đe dọa, rình rập. Quân Chiêm thành đã 02 lần xâm lấn vào đốt phá kinh thành Thăng Long trong các năm 1377, 1378. Đến năm 1389, khi đó Ông 19 tuổi và được phong chức Đô úy, phục vụ trong triều đình. Vua Chiêm thành là Chế Bồng Nga lại đem quân vượt biển đánh phá nước ta lần nữa. Hồ Quý Ly ra chống giặc nhưng bị thất bại ở Thanh Hóa phải rút chạy về Thăng Long, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lo sợ bèn cử Trần Khát Chân đi cản giặc, Ông khẳng khái tâu rằng: “Chiêm thành vốn là đất dung phụ của ta, trước đây thường sang chúc cống phẩm, về sau lấn cướp kinh thành, phạm tới xa giá nhà vua, Tôi thà chết chứ không thể dung chúng được, Nguyên soái (tức Hồ Quý Ly) đã bị thua, nay tôi vâng lệnh Bệ hạ nếu bình được giặc thì có ngày về, bằng không ngày về không có...” vua Trần cảm động rỏ nước mắt tiễn đưa. Ông dẫn quân đến sông Hoàng Giang thì gặp giặc, Ông không đánh ngay mà cho lui quân về sông Hải Triều cố thủ. Vua Chiêm thành là Chế Bồng Nga cùng một số tùy tướng dùng thuyền nhẹ lướt tới. Được hàng tướng Chiêm thành là Ba Kê Lậu chỉ cho biết thuyền của Chế Bồng Nga, Trần Khát Chân sai bắn hỏa pháo vào thuyền giặc làm Chế Bồng Nga chết tại trận. Quân Chiêm thành mất vua như rắn mất đầu phải tháo chạy. Trần Khát Chân sai bỏ thủ cấp Chế Bồng Nga vào hòm, đưa về bến Bình Than để dâng vua, vua Trần đang ngủ say, tỉnh dậy thấy đầu vua Chiêm Thành thì giật mình kinh sợ, đến khi biết rõ sự tình thì vui mừng khôn xiết, liền gọi văn võ bá quan đến xem thủ cấp Chế Bồng Nga và truyền rằng: “ta với Chế Bồng Nga chống nhau đã lâu, nay mới thấy mặt, khác nào Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Võ”.

     Dẹp xong giặc Chiêm thành, Trần Khát Chân được vua Trần phong chức Thượng Tướng Quân - tước Vũ Hầu và ban đất vùng Cổ Mai làm thái ấp. Như các sách sử đã ghi chép, về cuối vương triều Trần ngày càng suy vi, Hồ Quý Ly đang lộ rõ mưu đồ thoán vị, Thượng tướng quân Trần Khát Chân đã cùng một số hoàng thân quốc thích, quý tộc nhà Trần mưu giết Hồ Quý Ly. Việc không thành nên Ông bị Hồ Quý Ly sát hại. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết về cái chết lẫm liệt của Ông như sau: “Khát Chân sắp bị chém trên núi Đốn Sơn liền gào thét ba tiếng lớn. Chết ba ngày sắc mặt vẫn như sống, ruồi nhặng không dám động vào” (Đại Việt sử ký toàn thư Nxb KHKT, Hà Nội 1971, tập II, trang 225,226).

     Sau khi Trần Khát Chân mất, gia đình Ông và thái ấp Cổ Mai cũng bị triệt phá tiêu điều. Hồ Quý Ly đã đoạt ngôi báu của triều Trần, tiếp đó là sự đô hộ tàn bạo của quân Minh xâm lược. Sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, vương triều Lê sơ đã biểu dương các công trạng của Thượng tướng quân Trần Khát Chân và cho phép nhân dân trong các làng thuộc thái ấp cũ của Ông được lập đền, đình thờ Ông làm Thánh thành hoàng làng.

     Cùng với thời gian, những dấu tích xưa cũ của Thái ấp nay đã không còn, ngồi Đình Hoàng Mai cổ cũng bị chiến tranh tàn phá nhiều, cụ thể trong kháng chiến chống Pháp năm 1946, Đại đình bị cháy cùng với nhiều đồ thờ tự, sắc phong... đây là thiệt hại nặng nhất của di tích vì những văn bản, tài liệu bị cháy mất đã gây ra những hạn chế trong việc nghiên cứu thời gian khởi dựng di tích, những hoạt động về nghi lễ truyền thống của địa phương... đến thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Đình cũng bị bom nổ gần gây đổ vỡ thêm...kiến trúc còn lại cổ nhất là tòa hậu cung có mặt bằng dạng chữ Công với hệ thống tường được xây bằng gạch chữ Bát theo phong cách xây dựng thế kỷ XVIII - XIX; nhưng cũng rất may mắn là một số hiện vật bằng đá có giá trị nghệ thuật cao vẫn còn như đôi Sấu đá tại bậc thêm Đại đình có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI; ngoài sân là đôi Voi và đôi Ngựa đá đục theo lối tả chân, phong cách tạo tác thế kỷ XVIII.

     Ngoài cùng, Nghi môn cũ có dạng 02 cột đồng trụ (xây năm 1999) đã được nghiên cứu, điều chỉnh kiểu Nghi môn tứ trụ, có mái đao tại cổng chính, qua khoảng sân tương đối rộng rãi có đôi Ngựa và đôi Voi đá chầu hai bên trục chính đạo, là đến bậc tam cấp có đôi Sấu đá cổ, do bom đạn chiến tranh nên một con đã bị vỡ sứt mất một phần lưng, đuôi... nên năm 2008 khi thực hiện việc tu sửa, tôn tạo di tích, Tiểu ban di tích đình Hoàng Mai đã xin được thay thế bằng đôi Sấu đá phục chế, còn đôi Sấu đá cũ được bảo quản trưng bày trong tòa Đại đình.

    Tiếp đó qua hệ cửa bức bàn là tới Đại đình - hạng mục đã được phục hồi trên nền cũ có quy mô 7 gian, 2 dĩ, hệ vì kèo 4 hàng chân cột, hình dáng kiến trúc được căn cứ vào quy mô, vị trí 02 cột đồng trụ (trước năm 1946), tiếp giáp giữa Đại đình và tòa Hậu cung là tòa Thiên hương phục hồi trên nền cũ, có hình thức kiến trúc được phục hồi theo mô tả của các cụ cao niên của làng là dạng kiến trúc mái chồng diêm “Hai tầng tám mái” có góc đao, hạng mục này được xây dựng nhằm phục vụ các buổi tế, lễ theo nghi thức cổ xưa của địa phương. Trong cùng là hậu cung cũng được tu bổ trên cơ sở nguyên trạng, chỉ thay các kết cấu gỗ cũ đã bị mối mọt nặng bằng gỗ lim, bổ sung các hoa văn chạm trổ theo phong cách nghệ thuật kiến trúc dân gian thế kỷ XIX để phù hợp với kiến trúc chung của Đình.

     Cũng như sử sách xưa đánh giá rất cao công trạng của Thượng tướng quân Trần Khát Chân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, dám hy sinh tất cả để bảo vệ sự tồn vong của vương triều Trần. Sự hy sinh của Ông cũng là vì tinh thần trung quân ái quốc, tiếc thay vì triều đình đã quá suy tàn, thối nát nên nhà Hồ mới thoái nghịch và sát hại mất người anh hùng. Ngày nay di tích Đình Hoàng Mai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994 và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của người dân Hoàng Mai./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận