di thích lịch sử - lễ hội

Miếu Gàn thờ chàng trai chống hạn cứu lúa
Publish date 25/10/2011 | 00:00

KTĐT - Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, quận Hoàng Mai đang tiến hành tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có miếu Gàn ở thôn Bằng Liệt (Hoàng Liệt, Hoàng Mai).

Phía ngoài của ngôi miếu này là cổng được trang trí đèn, nghê, kỳ lân. Miếu có kiến trúc kiểu chữ “công”. Nhà tiền tế có ba gian, hai chái, cửa bức bàn. Mái lợp ngói ta, trong trí nghê và hổ phù. Vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm lộng đầu rồng ngậm ngọc, râu xoán mắt lồi, bờm đao mác, vân mây… và tứ linh (long, ly, quy, phượng). Nhà ống muống có hai gian, hậu cung có hai gian song song với nhà tiền tế. Trên bệ cao của hậu cung có bài vị long ngai của thần. Di vật còn lưu giữ tại miếu có một hương án chạm nổi theo nghệ thuật thời Hậu Lê, một khám thờ, một bát hương bằng đá, năm hoành phi, mười đôi câu đối ca ngợi công lao của thần.

Dưới thời vua Trần Minh Tông, niên hiệu Đại Khánh, Chu Văn An mở trường dạy học ở làng Cung Hoàng (nay là thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, Thanh Trì), có một chàng trai tuấn tú đến xin học. Bạn đồng môn thấy người học trò này từ đầm Lân Đàm đi đến trường và đã thưa với thầy Chu, thầy không nói gì. Một hôm nhìn thấy trên chỏm đầu của người học trò có cánh bèo tấm, thầy Chu biết đó là con vua Thủy Tề lên học.

Gặp năm trời làm đại hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, lúa mùa nắng cháy, nhân dân lo lắng. Hôm ấy, sau buổi học, thầy Chu hỏi học sinh ai có cách gì giúp dân vượt qua thiên tai khắc ngiệt. Trước lời khẩn thiết của thầy, thủy thần thưa với thầy Chu: “Con biết là trái lệnh Thiên đình thì sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm để giúp dân chống hạn, cứu lúa”. Sau đó thủy thần lấy hai nghiên mực đen, một nghiên mực đỏ và bút lông, đem ra giữa sân, mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc chú, cầm bút mực, vẩy lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm, đổ xuống một trận mưa rất to. Trong khi trời mưa thì có tiếng sét vang động một góc trời. Những cánh đồng đã no nước, lúa khắp vùng được cứu sống.

Sáng sớm hôm sua, người ta thấy thân một con thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên mặt đầm Linh Dường. Được tin này, thầy Chu Văn An biết đó là người học trò thủy thần của mình đã hy sinh, làm mưa giúp dân theo ý nguyện của thầy. Vô cùng thương tiếc, thầy đã cùng dân làng quanh đầm vớt xác thuồng luồng, làm lễ an táng chu đáo như đối với một ân nhân.

Để tỏ lòng nhớ công ơn của thủy thần, nhân dân bảy làng quanh vùng đã tôn thủy thần làm thành hoàng, lập đền thờ. Đó là các làng Bằng Liệt, Tứ Kỳ, Pháp Vân, Linh Đường (nay thuộc phường Hoàng Liệt), làng Đại Từ (phường Đại Kim) của huyện Hoàng Mai và các làn Tựu Liệt (xã Tam Hiệp), Lê Xá (xã Hữu Hòa) của huyện Thanh Trì. Nơi thờ chính đặt ở miếu Gàn, làng Bằng Liệt. Miếu này có tên chữ là Xá Can từ. Các triều đại phong kiến đều có sắc phong học trò thủy thần là Bảo Ninh Vương.

Hiện nay ở gần cầu Bươu còn một cái gò nổi lên ở giữa dòng nước, nằm giáp xã Thanh Liệt và xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), tương truyền đó là mộ của Thủy Thần. Từ bao đời nay, dòng nước cứ chảy mà gò đất vẫn không hề bị xói mòn. Nhân dân các làng góp tiền xây mộ và miếu thờ tại đây. Hàng năm vào ngày 6 tháng hai âm lịch, nhân dân bảy làng tổ chức lễ rước và hội tế tại miếu Gàn. Ngoài cỗ tam sinh, lế vật còn có cá chép đánh bắt từ đầm. Ơn đức của thần còn lưu lại trên vùng đất này qua nhiều truyền thuyết. Nơi nghiên mực rơi xuống đất giữa hai làng Quỳnh Đô và Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì) đã biến thành đầm nước có màu đên nên người dân gọi đó là Đầm Mực. Đầm này là nơi chôn vùi nhiều quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa giải phóng Thăng Long của vua Quang Trung đầu mùa xuân năm Kỷ Dậu. Còn cây bút của thủy thần rơi xuống làng Tó (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì). Người đời cho rằng vì thế mà làng này trở thành một làng khoa bảng có đến mười hai tiến sỹ, nổi tiếng như Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Điền…

Các cụ ở các làng quanh đầm Linh Đường kể rằng, xưa kia mỗi khi gặp hạn hạn, nhân dân các làng lại tổ chức lễ cầu đảo tại miếu Gàn, nếu trời không mưa, đoàn rước mới sang cầu cầu đức thánh Chu tại đền Huỳnh Cung (cách đó khoảng 300 mét) và thường linh nghiệm.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận