phường vĩnh hưng

Hội LHPN phường Vĩnh Hưng ra mắt mô hình “Thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”; tuyên truyền phân loại và xử lý, tái chế rác thải tại hộ gia đình; Nâng cao hiệu quả mô hình “Trạm rác văn minh” trên địa bàn phường Vĩnh Hưng
Ngày đăng 22/04/2024 | 16:00  | View count: 31

Ngày 15/4/2024, tại nhà hội họp số 2; Hội LHPN phường Vĩnh Hưng tổ chức hội nghị ra mắt mô hình “Thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”; tuyên truyền phân loại và xử lý, tái chế rác thải tại hộ gia đình; Nâng cao hiệu quả mô hình “Trạm rác văn minh” trên địa bàn phường Vĩnh Hưng.

Dự hội nghị có các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận số 2,6, các đồng chí trong Ban chấp hành, chi hội trưởng, chi hội phó 11 chi hội  và đặc biệt là sự có mặt của trên 120 hội viên phụ nữ toàn phường.

Những năm gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm, gây thiệt hại về người và của. Việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó không thể không kể đến vấn đề nhận thức của một số người dân trong việc bảo đảm ATTP cho chính bản thân và gia đình. Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Phụ nữ cũng chính là người chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua bữa ăn hàng ngày. Do đó, việc nâng cao nhận thức và thực hành đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm cho phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng. Với ý nghĩa đó, từ nhiều năm nay, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thu hút,vận động đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng cùng tham gia. Hội LHPN phường Vĩnh Hưng, các chi hội phụ nữ  đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “ Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”. Qua việc triển khai thực hiện mô hình, mong muốn sẽ lan tỏa tới các chị em phụ nữ và nhân dân trên địa bàn sử dụng và chế biến sản phẩm an toàn giúp bảo vệ chính gia đình và cộng đồng. Thực hiện mô hình Chi hội phụ nữ “Thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”, các chi hội phụ nữ đã tiến hành rà soát trong chi hội và nhận thấy hiện nay có tình trạng hộ gia đình vẫn sử dụng, dao, thớt để cắt thực phẩm sống và chín lẫn lộn. Sử dụng sản phẩm túi nilon, đồ nhựa với chất liệu không an toàn. Điều này sẽ mang đến một số mầm bệnh cho cơ thể, thậm chí có thể bị ngộ độc thức ăn dẫn đến đau bụng, tiêu chảy. Vì nếu dùng dao, thớt để cắt các loại thực phẩm sống, vi khuẩn sẽ lưu lại trên bề mặt. Sau đó, chúng ta lại dùng dụng cụ này để cắt thức ăn chín. Như thế, các loại vi khuẩn, vi sinh vật sẽ nhiễm sang thức ăn chín, mặc dù dao, thớt đã được chúng ta rửa sạch bằng nước rửa bát. Bên cạnh đó, vừa chế biến thực phẩm sống xong rửa ngay dụng cụ để dùng cho thức ăn chín cũng không phải là cách tốt, vì các chất hoá học trong nước rửa bát sẽ lưu lại và bám vào thức ăn chín. An toàn nhất vẫn là sử dụng nhiều bộ dao thớt riêng cho nhà bếp. Việc sử dụng túi nilon, sử dụng đồ nhựa không an toàn cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, môi trường sống.Trước thực tế trên, các chi hội phụ nữ nhận thấy cần phải tiến hành thay đổi, nâng cao nhận thức và hành vi về vệ sinh an toàn trong sử dụng các dụng cụ chế biến thực phẩm, trong sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, các chi hội phụ nữ  đã tích cực tuyên truyền về nội dung thay đổi hành vi là “ sử dụng 2 dao, 2 thớt trong chế biến thực phẩm, sử dụng sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa không an toàn”. Để tạo sự chuyển biến, thay đổi hành vi trong sử dụng dụng cụ chế biến và chế biến thực phẩm, trong thời gian tới, các chi hội phụ nữ  đã ký cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm như Luật An toàn thực phẩm;  Nghị định số 38 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều thi hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai trong toàn thể cán bộ, hội viên trong chi hội thực hiện mô hình thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm, sử dụng sản phẩm an toàn như sử dụng dụng cụ riêng biệt trong chế biến thực phẩm, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo truy vết. Hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa tiến tới sử dụng các sản phẩm như thủy tinh, gốm sứ...Từng chi hội, tổ phụ nữ ký cam kết thực hiện các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như trong quá trình chế biến thực phẩm. Chi hội phụ nữ thường xuyên giám sát và tuyên truyền, đôn đốc việc thực hiện chế biến thực phẩm an toàn tại gia đình các hội viên.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Bình - Trưởng phòng truyền thông công ty LeadViêt tuyên truyền kiến thức phân loại và xử lý, tái chế rác thải tại hộ gia đình; Nâng cao hiệu quả mô hình “Trạm rác văn minh” trên địa bàn phường Vĩnh Hưng. Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà. Phân loại rác thải tại nguồn có vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay.Tuy vậy việc phân loại rác thải hiện nay chưa được các cá nhân, gia đình quan tâm đúng mức. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...Việc xử lí rác thải là một vấn đề cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người.Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Như các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như rác hữu cơ, giấy, đồ nhựa, kim loại…có thẻ tái sử dụng và tái chế. Đặc biệt với lượng rác hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%) như  lá rau, vỏ củ, quả, lá cây,… đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Nếu mỗi cá nhân, mỗi gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.

Từ thực tế cuộc sống, Hội LHPN phường Vĩnh Hưng nhận thấy cần phải  đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ về  cách sử dụng vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế rác thải nhựa, sử dụng túi nilông, phân loại rác thải tại hộ gia đình ….

Nguồn: phường VH