Thi đua - khen thưởng
Trong cái nắng chói chang của mùa hạ, bên góc sân trường THCS Hoàng Văn Thụ, từng chùm phượng vĩ đã nở đỏ rực. Mùa hạ đến cũng là mùa những “cánh cò trắng” tung bay. Các em học sinh lớp 9, những “cánh cò” đã hoàn thành tốt kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và đang bay trên con đường theo đuổi ước mơ
Các em đã nỗ lực hết mình nhưng phía sau những thành công đó là sự chăm lo, chỉ bảo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường và đặc biệt hơn nữa là sự cố gắng không quản khó nhọc vì đàn em thân yêu của các thầy cô giáo dạy ôn thi lớp 9. Một trong những người thầy tôi muốn nói đến là cô giáo Cao Thị Phương Thảo, một giáo viên vừa có tài, vừa có tâm với nghề ở ngôi trường THCS Hoàng Văn Thụ nhỏ bé nhưng giàu tình yêu thương ấy!
Sinh ra và lớn lên tại thành phố “Hoa Phượng đỏ”, tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành Toán học, cô Thảo nhận công tác tại Trường THCS Tô Hiệu, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Và rồi sau những tháng ngày “bên ánh đèn khuya” tại quê nhà, năm 1998 cô đã chuyển về công tác tại trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì nay là quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Với lòng yêu nghề, tận tâm với học sinh, cô đã mang đến cho các em những tiết học lý thú, bổ ích. Cô luôn có những cách tiếp cận bài giảng một cách đơn giản khiến môn Toán không còn là trở ngại khó khăn với các em. Đến nay đã được 22 năm cô công tác và gắn bó với trường. Ngần ấy thời gian, cô đã có biết bao thế hệ học sinh lớn lên từ mái trường này. Không chỉ là sự nhiệt huyết, cô còn luôn có ý thức tìm tòi, học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Cô thường xuyên dự giờ đồng nghiệp dù có tiết không thuộc chuyên môn của cô để tích lũy và làm phong phú them kinh nghiệm giảng dạy. Bằng sự chăm chỉ, cần cù, nỗ lực học hỏi, cô luôn biết cách vận dụng, sáng tạo những phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh để học sinh nào cũng tiến bộ lên từng ngày, “thắp lửa” tình yêu toán học trong các em. Các phương pháp của cô đều tập trung khơi gợi sự sáng tạo, ham học hỏi của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất. Bởi vậy cô đã nhiều năm là giáo viên dạy giỏi và liên tục đạt Danh hiệu Lao động Giỏi ngành Giáo dục và Đào tạo những năm học 2014-2015, 2015-2016. Năm học 2016-2017 cô được tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Trong những năm học gần đây cô luôn đạt Danh hiệu Lao động Tiên Tiến cấp Quận.
Cũng tại mái trường này, cô còn là người thày đặc biệt. Bởi cô không chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy như các giáo viên khác mà còn phải gánh trên vai trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm “lớp đặc biệt” với lớp có hơn nửa số học sinh trong lớp là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt về hoàn cảnh gia đình éo le, thiếu thốn sự chăm sóc của bố mẹ; Có nhiều học sinh không có bố mẹ, chỉ ở với họ hàng, ông bà. Chính những hoàn cảnh của học sinh lớp chủ nhiệm đã khiến cô trăn trở, tìm nhiều cách, mất nhiều thời gian ở bên các em, động viên, dìu dắt, nâng đỡ cả vật chất lẫn tinh thần để các em đi được trọn vẹn đến cuối con đường, tốt nghiệp cấp THCS và nhiều em đã thi đỗ vào lớp 10 THPT với điểm số cao trong kỳ thi tháng 7/2020 vừa rồi. Để đạt được kết quả ấy có biết bao sự cố gắng của giáo viên chủ nhiệm lớp là cô, một người giáo viên chủ nhiệm giỏi, có tâm, là chiếc cầu nối giữa nhà trường với học sinh và gia đình học sinh, giữa giáo viên bộ môn với học sinh. Những ngày ôn thi vào lớp 10, căn phòng lớp 9A luôn sáng đèn tới tận tối muộn. Dù nhà xa cách trường gần 20 cây số, nhưng không khi nào tôi thấy cô đi muộn về sớm. Có hôm sáng sớm đã thấy cô tay xách nách mang nhiều đồ ăn, hoa quả. Tôi hỏi: “Sao cô mua nhiều thế?”. Cô cười tươi rói bảo: “Mua một ít để động viên cho học sinh lớp 9 ôn thi cháu ạ. Sợ các con nó đói lại mệt nữa”. Tôi thấy khâm phục cô quá!
Với tinh thần trách nhiệm, cô luôn chủ động phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh, nhất là đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Rất nhiều lần tôi được chứng kiến hình ảnh phụ huynh học sinh đến gặp cô xin lời khuyên. Cô Thảo không những có chuyên môn cao mà còn rất yêu thương học trò. Chính vì vậy nhiều học sinh sau khi trưởng thành vẫn tìm trở về thăm cô. Quả đúng là vậy, nếu chúng ta không có cái tâm, không có tấm lòng của một người cha người mẹ lo lắng cho học sinh thật lòng, có lẽ người giáo viên chủ nhiệm như cô không thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Bởi có bao nhiêu việc không tên đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải ra tay giải quyết. Dẫu chưa có danh hiệu nào dành cho giáo viên chủ nhiệm tận tụy nhưng sự trưởng thành của học trò sẽ là phần thưởng quý giá nhất cho những giáo viên chủ nhiệm hết lòng với học sinh như cô Thảo.
Với riêng tôi, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu về trường và được gặp cô. Ấn tượng nhất trong tôi là nụ cười thật rạng rỡ, thật tươi đẹp và ánh mắt lấp lánh biết cười của cô. Cô luôn hòa đồng với mọi người. Mặc dù luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng cô không hề tự kiêu, thay vào đó cô rất ân cần chỉ bảo cho đồng nghiệp. Tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ, cô thường chia sẻ và truyền kinh nghiệm cho giáo viên trong công việc giảng dạy, quản lý học sinh và động viên tinh thần đồng nghiệp vượt qua những khó khăn trong công việc và trong cuộc sống.
Trong công việc là vậy, về nhà cô còn là người phụ nữ đảm đang của gia đình. Sau mỗi giờ lên lớp cô luôn làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ. Cô biết cách sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian chăm lo cho gia đình, giữ cho ngọn lửa gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc.
Thật đáng quý biết bao, một tấm lòng nhà giáo. Những việc làm tưởng như rất đời thường nhưng lại thể hiện nhân cách đáng quý của một người giáo viên tận tâm với nghề. Cô giáo Cao Thị Phương Thảo thật xứng đáng với Danh hiệu: “Nhà Giáo Hoàng Mai - tâm huyết sáng tạo” năm 2020 mà UBND quận Hoàng Mai vừa trao tặng. Đó là những thành quả thật đáng trân trọng của một người thầy truyền lửa cho bao thế hệ học trò.