Thi đua - khen thưởng
Hòa giải ở cơ sở là biện pháp quan trọng, góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xây dựng con người Việt Nam sống có ý thức trong cộng đồng, có lòng nhân ái, bao dung, tôn trọng nghĩa tình, tôn trọng pháp luật, tạo mối quan hệ hài hòa trong gia đình, khu phố, thôn xóm, cộng đồng dân cư và toàn xã hội.
Nhận thức vai trò, ý nghĩa nhân văn công tác hòa giải ở cơ sở, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ phường Định Công rất quan tâm đến công tác này, luôn coi việc khuyến khích, tăng cường công tác hòa giải là một chủ trương nhất quán trong quản lý nhà nước tại địa phương, đảm bảo văn minh đô thị, trật tự an ninh, và an toàn xã hội, phát huy tối đa khối đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, hằng năm, UBNBD phường Định Công đều quan tâm và ban hành Kế hoạch về công tác hòa giải ở cơ sở; Ngày 10 tháng 04 năm 2023; UBND phường Định Công đã ban hành Quyết định số 65/QĐ- UBND về việc thành lập Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Định Công. Theo đó, hiện nay trên toàn địa bàn phường có 25 Tổ hòa giải ở cơ sở với 164 hòa giải viên phủ kín 42 tổ dân phố trên khắp địa bàn phường.
Trong những năm qua, Phường Định Công đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên nhiều lĩnh vực. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, 25/25 Tổ hòa giải Phường Định Công đã hòa giải thành công rất nhiều vụ việc ngay tại khu dân cư, tổ dân phố. Trong đó, có 04 vụ việc đã có đơn kiến nghị đến UBND phường; 03 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, 01 vụ mâu thuẫn về hôn nhân – gia đình. Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của nhân dân, để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, Lãnh đạo UBND phường Định Công đã vận dụng triệt để công tác hòa giải ở cơ sở; đề nghị các đồng chí hòa giải viên vào cuộc. Kết quả cả 04/04 vụ việc đã được hòa giải thành công.
Trong đó, nổi bật là công tác hòa giải ở cơ sở tại Tổ 23 - phường Định Công và Bà Phan Thị Kim Tấn – Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 23 - là một cá nhân điển hình, tiêu biểu - một tấm gương sáng trong thực hiện hòa giải cơ sở ở phường Định Công. Hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, Bà luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của mọi người trong khu dân cư, giải tỏa những bức xúc nảy sinh từ cộng đồng, mâu thuẫn vợ chồng, sự mất đoàn kết giữa anh em trong gia đình, những chuyện hàng xóm gây mất vệ sinh môi trường…v…v…v. Với vai trò là tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 23, căn cứ vào tình hình thực tế của Tổ, Bà Tấn đã luôn trăn trở để có cách làm hiệu quả và sao cho người dân dễ tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, Bà đã chủ động lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của chi bộ, của các hội, đoàn thể cũng như trong buổi họp dân của khu dân cư, tổ dân phố để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, luật hòa giải cơ sở.
Được biết, Bà Phan Thị Kim Tấn nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Định Công cũ - là người kinh qua nhiều vị trí công tác, là người địa phương, có uy tín trong cộng đồng. Trong gia đình, bà luôn dạy bảo con cháu: “Phải đoàn kết, yêu thương nhau, gặp người hoạn nạn, nghèo khó thì mình giang tay giúp đỡ, chở che, đùm bọc. Gặp kẻ ngang tàng, hống hách thì mình bình tĩnh, nhẹ nhàng “Lùi một bước, biển rộng bao la” - đó chính là phép thuật để thu phục lòng người. Bản thân Bà không chỉ là người rất tích cực tham gia và luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào của phường, mà Bà còn rất tâm huyết với công việc hòa giải ở cơ sở. Bà Tấn tâm sự: Trong nhiều năm làm công tác hòa gải cơ sở, bà gặp không ít những khó khăn, có vụ việc hòa giải không thành công, nhiều vụ việc kéo dài, mâu thuẫn nảy sinh càng ngày càng gay gắt, khiếu kiện vượt cấp. Tình cảm giữa bố mẹ, vợ chồng, anh chị em trong gia đình tổn thương quá lớn, tình làng nghĩa xóm trở thành kẻ thù địch không nhìn mặt nhau, thực tế đôi khi có thể mâu thuẫn xảy ra chỉ vì lời ăn tiếng nói chưa vừa lòng nhau hàng ngày, hay là những khúc mắc trong gia đình với lý do ban đầu rất nhỏ nhưng sau lại thành vấn đề lớn; có những vụ việc nguyên do chỉ vì quan niệm sống, thói quen sinh hoạt khác biệt nhau giữa các thế hệ trong cùng gia đình; hàng xóm láng giềng vì những tranh chấp nhỏ mà không giữ được bình tĩnh, xảy ra xô xát.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, bản thân Bà Tấn đã dùng phương châm này để tham gia công tác hòa giải nhiều vụ việc lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn khu dân cư nơi mình sinh sống. Bà quan niệm, để hòa giải thành công, người cán bộ phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người đân mới tin và nghe theo. Khi xảy ra vụ việc liên quan hoặc có đơn đề nghị, không quản ngại bất cứ thời gian nào, Bà đã kịp thời tiến hành họp các thành viên trong tổ hòa giải, phân tích tình hình, tìm ra lý do nguyên nhân của từng vụ việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể. Từ đó, đích thân Bà cùng với Tổ hòa giải và các Chi hội đoàn thể có liên quan đã đến từng nhà làm công tác tư tưởng, giải thích vận động, cùng vào cuộc để vận động, hòa giải. Trong suốt quá trình hòa giải, Bà luôn kiên trì, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe tâm tự nguyên vọng của người dân, để giải thích sao cho vừa hợp lý lại vừa hợp tình; Bà phân tích cặn kẽ những cái được, cái mất khi xảy ra mâu thuẫn. Bà khơi dậy truyền thống tốt đẹp của gia đình..v..v….Bà ân cần động viên, thuyết phục từng người..v..v….Với phương châm “ Mưa dầm thấm lâu”, tính kiên trì, nhẫn nại cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội như chi bộ Đảng, cán bộ dân chính tổ dân phố, các chi hội đoàn thể Phụ nữ, CCB, Đoàn thanh niên, Chữ thập đỏ, Người cao tuổi…, giải thích thấu tình đạt lý, kết quả mâu thuẫn được giải tỏa. Những trường hợp khó, hoặc phải vận dụng kiến thức pháp luật mới thì Bà liên hệ với UBND phường, tham khảo ý kiến chuyên môn của cán bộ tư pháp phường để nắm bắt các quy định mới rồi tiếp tục kiên trì tuyên truyền thuyết phục nhân dân; giải thích vụ việc cho nhân dân hiểu một cách có lý, có tình trên cơ sở đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhờ vậy các vụ tranh chấp, mâu thuẫn cơ bản được giải quyết. Các trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai thì Bà cùng tổ hòa giải đi thực tế, tìm hiểu trên bản đồ địa chính, đối chiếu sổ đỏ của các bên, tham khảo ý kiến chuyên môn của Cán bộ địa chính phường, để xác định cụ thể và hiểu rõ vấn đề, sau đó tiến hành họp tổ hòa giải để đưa ra các phương án giải quyết cụ thể, sau đó sẽ mời các bên tranh chấp đến nhà văn hóa tổ để tiến hành hòa giải. Các vụ hòa giải đều được lập biên bản và ghi chép vào sổ theo dõi công tác hòa giải theo đúng quy định.
Chia sẻ một vụ việc hòa giải thành công trong quãng thời gian gần 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở. Bà Tấn cho biết: Trường hợp hòa giải có ấn tượng nhất là vụ việc tranh chấp đất đai của nhà họ Bùi và họ Đặng trong suốt một thời gian rất dài. Cụ thể là: Gia đình Ông Đặng Văn Đức thuộc Tổ 20 phường Định Công (nay là Tổ 23) thuộc hẻm 245/116/35 phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã lấn chiếm hơn 40m2 - phần đất khu mộ cụ Thượng tổ họ Bùi Chí Đức đã táng cách đây hơn 600 năm vẫn còn bia mộ ghi rõ tên ( cụ đã sinh ra các doanh nhân dân tộc Việt Nam được đặt tên phố ở Hà Nội như Tiến sỹ Bùi Xương Trạch, cụ Bùi Bỉnh Uyên, cụ Bùi Huy Bích, và anh hùng liệt sỹ Bùi Ngọc Dương...) để xây dựng nhà cấp 4 cho thuê và các công trình vệ sinh xây đè lên phần mộ Tổ chỉ còn lại phần bia mộ; đồng thời xây tường rào bao quanh khu đất chắn lối ra vào khu Mộ. Mảnh đất này đứng tên Ông Bùi Đăng Thái ở Thịnh Liệt ( dòng họ Bùi Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thuộc thửa đất số 52, tờ bản đồ số 27, diện tích 42,3m2 đã được đối chiếu và trích lục bản đồ của địa chính phường Định Công là đúng ông Bùi Đăng Thái đứng tên và quản lý. Đây là một vụ việc tranh chấp, khiếu nại vượt cấp, kéo dài nhiều năm, phức tạp có cả sự vào cuộc của Bộ Ngoại giao, của Thành phố Hà Nội và của UBND quận Hoàng Mai, phường Định Công mà chưa giải quyết được.
Nắm bắt được tình hình, bằng uy tín và kinh nghiệm của bản thân, Bà nhiều đêm suy nghĩ, Bà cùng đồng chí Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố cùng các chi hội đoàn thể tổ dân phố họp bàn và tìm giải pháp. Bà cùng tổ hòa giải đến gặp gỡ từng người, phân tích có tình có lý; Bà khơi dậy truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “trên kính dưới nhường”, “chín bỏ làm mười”, “tình làng nghĩa xóm” …động viên thuyết phục nhiều lần. Bà kiên trì tuyên truyền giải thích, thuyết phục; giải quyết các vấn đề thấu tình đạt lý; Bà nêu ra những điều mà Họ Đặng đã làm như: chăm sóc và hương khói cho khu mộ tổ Họ Bùi bao nhiêu năm qua, khi Họ Bùi ở xa bên Thịnh Liệt, Bà khơi dậy tinh thần đoàn kết; Bà phân tích về cái lý cái tình; cái được cái mất khi tranh chấp sảy ra…v…v…kết quả hai bên đã vui vẻ đồng thuận; Nhà họ Đặng đã trả lại đúng phần diện tích đất khu mộ Tổ họ Bùi cho dòng họ Bùi Thịnh Liệt do ông Bùi Đăng Thái đứng tên, những mâu thuẫn đã được hóa giải hoàn toàn. Đây là một vụ việc điển hình cho thấy được vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở.
Sau nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải ở tổ dân phố 23 - phường Định Công, Bà Tấn cho rằng: Hòa giải ở cơ sở thành công là nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của các hòa giải viên, sự đoàn kết, đồng lòng đồng sức làm việc tận tâm vì giữ gìn tình làng nghĩa xóm đối với bà con nhân dân trong tổ. Phải có sự nêu gương của bản thân, làm đúng chức năng nhiệm vụ, đối xử công bằng giữa các bên liên quan. Và thực tiễn cũng cho thấy, vai trò của người tổ trưởng rất quan trọng, phải công tâm, giải thích, giải quyết các vấn đề thấu tình đạt lý, hài hòa. Vận dụng linh hoạt lúc nào phải thiên về tình, lúc nào phải thiên về lý, phải làm sao để “Dân vận khéo” và luôn được sự ủng hộ và tin tưởng của bà con, người dân. Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền Bà Phan Thị Kim Tấn đã được nhận nhiều Giấy khen của các cấp vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hòa giải ở cơ sở.
Nhờ thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu nại và khiếu kiện vượt cấp; tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức của chính quyền và nhân dân. Có thể nói, sự gương mẫu, uy tín, nhiệt tình trong công tác hòa giải cơ sở; luôn học tập và làm theo theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin” như Bà Phan Thị Kim Tấn - là một tấm dương điển hình trong thực hiện hòa giải ở khu dân cư và tổ hòa giải cơ sở Tổ dân phố 23, phường Định Công là một mô hình hòa giải cơ sở thành công.
Với cương vị là Trưởng ban Công tác mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 23 - phường Định Công, Bà vẫn còn có nhiều trăn trở bởi tỷ lệ hòa giải thành công chưa được như mong muốn; vẫn còn có những khiếu kiện vượt cấp. Việc bồi dưỡng kiến thức cho hòa giải viên cơ sở còn hạn chế, kinh phí thù lao cho hòa giải viên rất hạn hẹp, một số hòa giải viên còn ngại va chạm. Bà Kim Tấn cũng mong muốn cần phải tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải, nhân rộng những gương hòa giải điển hình trong toàn phường. Từ đó, phấn đấu đạt tỷ lệ hòa giải 100%; toàn phường không có đơn thư khiếu nại và khiếu nại vượt cấp, tình làng nghĩa xóm luôn gắn kết bền chặt; an ninh - an toàn và trật tự được giữ vững, hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho nhân dân trong cộng đồng dân cư; cùng nhau đoàn kết xây dựng tổ dân phố khu dân cư văn hóa - phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Nguồn: UBND phường Định Công