Thi đua - khen thưởng
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn, Tổ trưởng chuyên môn Tổ 1, trường Tiểu học Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội - Tấm gương về chuyên môn giỏi, một nhà giáo trách nhiệm, tâm huyết và sáng tạo.
Trong xã hội, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều chung tay đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Trong số đó, không thể không kể đến những thầy cô giáo, người mang trên vai sứ mệnh trồng người mà toàn xã hội tin tưởng trao cho. Vì vậy, họ không quản ngại khó khăn, vất vả mà hết mình vì học sinh thân yêu. Người mà tôi muốn nói đến là cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó Chủ tịch Công đoàn, Tổ trưởng chuyên môn Tổ 1, trường Tiểu học Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội - Tấm gương về chuyên môn giỏi, một giáo viên chủ nhiệm tâm huyết, trách nhiệm, một người “truyền lửa” đam mê cho đồng nghiệp.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy sinh năm 1978, lớn lên ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Gia đình cô có ba chị em. Cô có em gái cũng là giáo viên còn em trai của cô hiện đang công tác trong Ngành Công an. Tôi từng được nghe cô tâm sự từ khi còn nhỏ, cô đã có ước mơ trở thành cô giáo Tiểu học. Cô muốn được truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Cô rất yêu những khuôn mặt thơ ngây, ánh mắt hồn nhiên, ngước lên bảng nghe cô giảng bài. Chính vì thế, sau khi học xong THPT năm 1996, cô đã thi vào trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, khoa Giáo dục Tiểu học. Ước mơ trở thành giáo viên tiểu học của cô thành hiện thực khi cô bắt đầu vào dạy tại trường Tiểu học Mai Động vào năm 2000. Năm 2004, cô công tác chính thức tại trường Tiểu học Vĩnh Hưng.
Với năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, cô Thủy đã nhận được nhiều thành tích cao trong công tác: Danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp Quận” năm học 2010; Danh hiệu “Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Quận” năm học 2014; Liên tục nhiều năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Là người say chuyên môn, cô Thủy luôn có nhiều sáng kiến, sáng tạo giúp phát huy vai trò của người thầy và góp phần phát triển năng lực tự chủ, tự học của học sinh. Trong nhiều năm trở lại đây, những sáng kiến tâm huyết được cô viết luôn đạt loại B, C cấp Quận, cấp Thành phố. Cô luôn tích cực tham gia các cuộc thi ở các cấp do Ngành phát động. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến, năm học 2020 – 2021, cô đạt giải Nhì cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-learrning trong Ngày hội Công nghệ thông tin cấp Thành phố; Năm học 2021 – 2022, bài giảng điện tử e-learning của cô đã xuất sắc vượt qua hơn 40 000 bài giảng trên toàn quốc ở các cấp học để được lựa chọn, chia sẻ trên Kho học liệu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2023 – 2024, cô đạt giải Đặc biệt trong cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử e-learning và bài giảng STEM” do trường Tiểu học Vĩnh Hưng tổ chức. Đáng chú ý hơn cả là 02 bài giảng của cô cũng đã được lựa chọn gửi dự thi trong “Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM” cấp Quận và cấp Thành phố. Không chỉ tích cực trong công tác chuyên môn, cô Thủy còn luôn năng nổ với các hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường. Tháng 12/2023 vừa qua, cô Thủy được nhận Giấy khen của UBND phường Vĩnh Hưng với nội dung “Đã có thành tích trong công tác của UBND phường Vĩnh Hưng”.
Là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nhà giáo Hoàng Mai đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, năm học 2023 – 2024, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy đã nhận đỡ đầu cho em học sinh Nguyễn Tùng Lâm, học sinh lớp 1A5, trường Tiểu học Vĩnh Hưng cũng là học sinh lớp cô chủ nhiệm.
Em Nguyễn Tùng Lâm (sinh năm 2016) là học sinh quá 1 độ tuổi, lưu ban từ năm học 2022 – 2023. Hoàn cảnh của em có phần đặc biệt hơn so với các bạn cùng trang lứa khi em là học sinh mới chuyển về từ tỉnh Bình Dương, khả năng nhận thức và giao tiếp của em có phần chậm hơn. Gia đình em có gốc là người dân địa phương của phường Vĩnh Hưng. Từ năm 2019, gia đình em chuyển vào sinh sống và làm ăn tại tỉnh Bình Dương. Do điều kiện kinh tế khó khăn và một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc của gia đình em không thuận lợi, em khó khăn trong việc hòa nhập được với môi trường mới, đặc biệt là về khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ (do đặc thù phương ngữ vùng miền). Mẹ của Tùng Lâm chia sẻ hiện đang cho em theo học lớp can thiệp về ngôn ngữ và giao tiếp.
Để chia sẻ bớt khó khăn về kinh tế với gia đình Tùng Lâm, đều đặn hằng tháng, cô Thủy đã tự bỏ số tiền của mình để đóng học cho em khoản thu 2 buổi/ngày (tương đương 90 000 đồng/tháng). Cô Thủy thường xuyên tặng bút, vở, đồ dùng học tập và quần áo đẹp cho em đến tự tin đến trường như bao bạn khác. Trong các giờ lên lớp, cô Thủy luôn dành cho em sự quan tâm đặc biệt hơn so với các bạn trong lớp: kèm cặp em vào giờ truy bài và cuối giờ học; động viên em phát biểu nhiều hơn, khích lệ em tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của lớp. Cùng với đó, cô Thủy còn kêu gọi Hội Cha mẹ học sinh trong lớp quan tâm, ủng hộ và chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình em với tinh thần “Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Khác với các giáo viên khác ở cấp tiểu học, giáo viên lớp Một là những người xây viên gạch kiến thức đầu tiên cho học sinh. Sự thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học với nhiều bỡ ngỡ đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm đặc biệt quan tâm tới học sinh, vừa truyền cảm hứng, vừa dạy dỗ vừa chăm sóc. Với học sinh lớp Một, cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn phải có tâm thế của một “người mẹ”. Cô Thủy luôn tâm niệm rằng: Niềm vui, thành quả của các thầy giáo, cô giáo lớp Một không gì ngoài niềm vui đến trường, yêu bạn bè, thầy cô… của những học trò nhỏ. Để có được những niềm vui ấy, các thầy giáo, cô giáo lớp đầu cấp tiểu học luôn phải đối mặt với những tình huống không có trong “giáo án”.
Với thâm niên công tác hơn hai chục năm trong vai trò là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cô Bích Thủy chia sẻ: “Dạy và dỗ, lúc nào cũng đi đôi với nhau. Có học sinh không thích học, cô giáo vô cùng vất vả. Trẻ ỉ ôi, mếu máo đòi mẹ, đòi bà... không chịu thực hiện yêu cầu của cô. Cô lại phải nịnh khéo, kèm cặp, chăm sóc.”
Ngày đầu tiên đến lớp, các em mới được làm quen với đồ dùng học tập. Cô giáo phải hướng dẫn học sinh tỉ mỉ từng công việc một như phân biệt sách, vở, cách lấy và cất bộ đồ dùng học Tiếng Việt và Toán, tư thế ngồi học, cầm bút ra sao… Khó khăn nhiều hơn cả là giai đoạn đầu năm học mới, bởi khi đó, các em còn nhiều bỡ ngỡ do mọi thứ đều mới lạ. Các em phải làm quen dần với bạn học mới, cô giáo mới, cách học mới. Từ một đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay ông bà, bố mẹ nay phải tự lập từ chuyện đi vệ sinh đến việc ăn uống, ngủ nghỉ. Một số học sinh nghịch ngợm, hiếu động khiến cô giáo “đau đầu”. Trong giờ học, chuyện các em đang ngồi trên ghế rồi bỏ xuống đất ngồi, hay chạy ra lớp… là bình thường.
Vừa dạy vừa quan sát từng thói quen, sở thích của các em, từ đó điều chỉnh cho các em vào nền nếp. Mỗi ngày đến lớp sớm hơn, nán lại lớp muộn hơn, trò chuyện với học trò bằng nụ cười thân thiện. Đây là chìa khóa để cô Thủy tự tháo gỡ khó khăn và luôn thành công với các cô bé, cậu bé học trò nhỏ của mình.
Không chỉ chia sẻ và dành sự quan tâm đến học sinh nhận đỡ đầu mà trái tim yêu thương của cô giáo Bích Thủy đã luôn đập chung nhịp với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác trong lớp, trong trường.
Với lòng yêu nghề, mến trẻ cùng với nhiệt huyết trong công việc và tinh thần không ngừng học hỏi, cô đã khẳng định mình rõ nét trong công tác chủ nhiệm cũng như giảng dạy. Nhiệm vụ nào được giao, cô luôn hoàn thành xuất sắc, được cấp trên tin tưởng. Bên cạnh đó, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy còn là một đồng nghiệp rất thân thiện, nhiệt tình và luôn có tinh thần đoàn kết. Đối với những giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm công tác, cô luôn tận tình chỉ bảo, chia sẻ cho chúng tôi rất nhiều những kinh nghiệm thiết thực và quý báu mà cô đã tích lũy bao nhiêu năm qua. Lúc cần góp ý về bài dạy, cô luôn dành thời gian đến thăm lớp, chỉ bảo tận tình cho các đồng nghiệp. Bản thân tôi luôn coi cô như người thầy, người chị cả cũng như người “truyền lửa” để tôi học tập, noi gương và phát huy hơn nữa.
Ngoài công việc chuyên môn, cô còn tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là các hoạt động thăm hỏi hay từ thiện. Trong vai trò là Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô luôn tạo được sự gắn kết và niềm tin yêu của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Không chỉ giỏi việc trường, cô Bích Thủy còn là người vợ hiền, người mẹ mẫu mực trong gia đình, cô cùng chồng chăm lo cho con trai lớn và con gái nhỏ chăm ngoan, học giỏi và đỗ đạt cao. Hai người con của cô đều rất ngoan, hiếu thảo với bố mẹ, cư xử tốt với mọi người xung quanh. Cô thật xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” mà Ban Chấp hành Công đoàn trường Tiểu học Vĩnh Hưng trao tặng.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy là tấm gương nhà giáo mẫu mực, vừa gần gũi vừa tin cậy với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và học sinh trường Tiểu học Vĩnh Hưng. Noi gương cô giáo Bích Thủy, mỗi thầy giáo, cô giáo trường Tiểu học Vĩnh Hưng đã, đang và sẽ luôn tiếp tục cố gắng hoàn thiện mình hơn mỗi ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong sứ mệnh “trồng người” vô cùng cao cả./.
Nguồn: trường TH VH