Thi đua - khen thưởng
Lúc sinh thời, để khẳng định vai trò của ngành giáo dục, tôn vinh những người làm nghề dạy học, Bác Hồ kính yêu từng nói:
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Câu nói đó cho tới nay và mai sau có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là khi mặt trái của cơ chế thị trường hôm nay khiến cho không ít người trong số thầy cô, cán bộ, nhân viên công tác tại nhà trường không khỏi nghẹn lòng về ngành, về nghề. Chúng ta càng trân quý hơn những thầy cô giáo, những cán bộ nhân viên trong ngành với lòng yêu trẻ, tâm huyết với nghề mặc cho cuộc sống còn nhiều những âu lo. Tôi muốn được nói, được viết về cô Lê Thị Thu Hằng, một nhân viên thư viên, một người tận tâm với nghề, âm thầm nỗ lực, hết lòng vì sự nghiệp trồng người trên phương diện gieo mầm văn hóa đọc.
Vốn là người con của mảnh đất Thanh Trì, Hoàng Mai, cô Thu Hằng ngay từ nhỏ đã say mê với những cuốn sách. Tình yêu sách và khát khao mong muốn gieo mầm văn hóa đọc đến với các em nhỏ đã được cô vun trồng, ấp ủ trong lòng. Sau khi tốt nghiệp, cô đã gắn bó nhiều năm dưới mái trường THCS Thanh Trì với vai trò là một nhân viên quản lí thư viện. Nói về công việc này, có lẽ không ít người sẽ nghĩ thật nhàm chán bởi cả ngày chỉ quanh quẩn với sách là sách. Thế nhưng những gì chúng tôi biết về công việc của cô lại trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ ban đầu ấy. Là một cán bộ thư viện, công việc hàng ngày của cô là quản lí, giữ gìn và phát triển vốn tài liệu để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu của giáo viên và học sinh; lưu trữ, sắp xếp hồ sơ, phân loại, sắp xếp sách vở, lau, quét sách ở các kệ sách, hướng dẫn tra cứu thông tin... Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng với số lượng đầu sách lên đến hàng ngàn cuốn đủ chủng loại ở thư viện nhà trường THCS Thanh Trì thì việc này thật vất vả đến nhường nào.
Năm 2023, đứng trước thách thức của xu thế 4.0 mạnh mẽ, cô Thu Hằng đã không ngại khó khăn, tự mình nghiên cứu, tìm tòi hướng đi mới để phát triển thư viện nhà trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc trong xu hướng chuyển đổi số. Trước kia nếu thư viện là kho tàng tri thức - thông tin đứng yên một chỗ còn bạn đọc thì phải di chuyển đến thư viện để đọc, mượn tài liệu thì giờ đây thư viện trường THCS Thanh Trì đã hoàn toàn thay chiếc áo mới, vươn mình trở thành một thư viện chuẩn được số hóa với nhiều tiện ích mới. Bằng sự năng động, sáng tạo và chủ động trong công tác, cô Hằng xây dựng một thư viện điện tử - thư viện số - thư viện ảo, nhằm phục vụ bạn đọc tốt hơn, nhanh và hiệu quả hơn. Cô miệt mài, say mê ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn 12 nghìn quyển sách đã được up lên phần mềm quản lý thư viện, nhiều đầu sách điện tử, sách nói, ảnh hoạt động phong phú đa dạng.
Nghề thủ thư được ví như “nghề làm dâu trăm họ”. Và làm thế nào để “vui lòng bạn đọc đến, vừa lòng bạn đọc đi”? Đó là cả một vấn đề cô Hằng trăn trở. Trước thách thức chuyển đổi số, cô Thu Hằng đã tạo nên một hệ thống số hóa thư viện mở. Với tài khoản và mật khẩu được cung cấp, các thầy cô giáo cùng các em học sinh nhà trường chỉ cần quét mã QR hay truy cập trang http://thcsthanhtri-hoangmai.thuvien.edu.vn là có thể thỏa sức khám phá thư viện mở. Tiết kiệm thời gian, thao tác đơn giản, truy cập trên cả máy tính và điện thoại, công cụ tra cứu trên thanh tìm kiếm hoặc quét mã, chủ động đọc, mượn sách…, tất cả những ưu thế trên đã tạo nên sức hút cho thư viện trực tuyến của trường. Nhờ đó, cô Hằng đã âm thầm gieo vào lòng bạn đọc tình yêu sách, nâng cao năng lực đọc, rèn thói quen đọc sách cho các em học sinh.
Thành công của cô còn được đánh dấu bởi “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, tạo sức ảnh hưởng sâu rộng với các nhà lãnh đạo, nhiều thầy cô giáo cùng các em học sinh ở các trường trên địa bàn quận Hoàng Mai. Điều này như tiếp thêm động lực giúp cô tin thêm vào sự nghiệp mình đã lựa chọn.
Có thể nói rằng, hơn 10 năm gắn bó với công tác thư viện, cô Lê Thị Thu Hằng không ngừng trau dồi nghiệp vụ cho bản thân, từng bước nỗ lực phấn đấu đưa thư viện trường THCS Thanh Trì thành một địa chỉ tin cậy với bạn đọc, giành được nhiều giấy khen của các cấp trong công tác nghiệp vụ của mình. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin bằng tình yêu nghề và sự kiên trì, sáng tạo, đổi mới, cô Thu Hằng sẽ ngày càng vững bước trên con đường gieo mầm văn hóa đọc đến với các em nhỏ. Chúc cô thật nhiều sức khỏe và nhiệt huyết để luôn xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc nhà trường.
Nguồn: trường THCS Thanh Trì