Thi đua - khen thưởng

Người lan tỏa “Văn hóa đọc” của trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ
Ngày đăng 22/10/2024 | 10:00

Mái Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ của chúng tôi đã hình thành và phát triển gần một thế kỉ, đây là nơi có biết bao nhà giáo tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm qua nhiều thời kì. Trong số đó, có một cô giáo mà tất cả học sinh và đồng nghiệp đều ngưỡng mộ, không chỉ vì kiến thức sâu rộng mà còn vì sự tận tuỵ với nghề. Đó chính là cô giáo Nguyễn Thị Hạnh- nhân viên Thư viện - người lan toả văn hoá đọc của trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Tại ngôi trường thân thương này, cô không chỉ mang đến cho các em những bài học bổ ích mà còn mở ra một thế giới tri thức phong phú qua từng cuốn sách. 

Cô Hạnh và học sinh trong Ngày hội đọc sách.

Ngày nào cũng vậy, cô luôn đến trường từ rất sớm nhưng lại là người về muộn nhất. Nhiều lúc tôi cũng thắc mắc không hiểu lí do vì sao? Nhưng nhìn cách cô chăm chút cho “căn phòng nhỏ” của mình, tôi cũng đã tự tìm được lời giải đáp. Phòng Thư viện được cô thiết kế không gian thoáng mát, thân thiện với những bức tranh hoạt hình ngộ nghĩnh trên tường và kệ sách được sắp xếp theo chủ điểm, những chiếc bàn xinh xắn, tạo cho học sinh cảm giác thoải mái khi đến đây. Bên cạnh đó, cô còn bố trí các góc riêng như: Góc âm nhạc, Góc vẽ, Góc viết - cảm nhận, giúp học sinh có thêm ý tưởng khi tới Thư viện. Đặc biệt cô rất khéo tay, chữ viết đẹp nên bao giờ trên bảng thông báo giới thiệu sách của tháng cũng được cô trang trí bắt mắt, kích thích trí tò mò cho các em. 

Như chúng ta đã biết, rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh là một hoạt động lâu dài, thiết thực mang ý nghĩa hình thành nhân cách, phát triển toàn diện cho học sinh. Đọc sách giúp nâng cao kiến thức, cải thiện kĩ năng giao tiếp, tác phong làm việc và khả năng tập trung, giải tỏa căng thẳng cho mỗi người. Vậy làm thế nào để cho các em học sinh tiếp cận nhanh nhất và dễ dàng nhất với sách truyện, kể cả những em học sinh lớp 1 chưa biết đọc hay đến các em học sinh lớp 5 có thể đọc rất nhiều sách trong một tiết Thư viện?

Với những trăn trở trên cô Hạnh đã học hỏi được một số kinh nghiệm như dùng mã màu để kí hiệu phân loại sách, truyện trong Thư viện. Cô chọn mã màu thể loại truyện theo ý nghĩa. Ví dụ như: mã màu đỏ tượng trưng cho máu của các chiến sĩ đã hi sinh - sách về Lịch sử; màu trắng là màu của cát trắng trên biển - sách về biển đảo; màu tím – màu của học trò, lứa tuổi rất cần có nhiều kĩ năng – màu của sách Kĩ năng sống… Có như thế các em sẽ dựa vào mã màu để bước đầu làm quen với việc chọn sách và trả sách. Để các em không quên, cuối giờ đọc cô thường cho các em chơi trò chơi với sách như: Tìm nhà cho sách (trả sách về đúng giá), không nhìn bảng mã màu, tìm tên loại truyện cho đúng mã màu (ví dụ: màu nâu - sách Danh nhân). 

Tuy nhiên việc truyền cảm hứng cho học sinh say mê đọc sách vẫn là tâm huyết lớn nhất của cô. Bởi cô cho rằng, truyện có hay, có nhiều và phong phú, sắp xếp đẹp đến mấy mà học sinh không ham đọc thì cũng không có kết quả. Vì thế mỗi tiết đọc sách cô đều có những hình thức đổi mới nhằm khơi dậy lòng yêu thích đọc sách, ham tìm hiểu như: sáng tạo thêm những trò chơi, câu đố, khởi động trước khi vào đọc. Bằng giọng kể nhẹ nhàng, truyền cảm kết hợp với ngôn ngữ cơ thể phù hợp, cô Hạnh có một sự lôi cuốn kì lạ các em tập trung lắng nghe câu chuyện.

Trong những lần giới thiệu sách, đến đoạn cao trào, cô luôn dừng lại hỏi: Theo các em, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?. Cô còn hóa thân vào nhân vật với cái tên lạ - Bà Why? gây bất ngờ cho học sinh. Các em được tự đặt câu hỏi nhờ cô giải đáp, sự thích thú thể hiện trên từng gương mặt trẻ thơ. Từ đó các em sẽ tự khám phá, tìm tòi kiến thức qua sách để tiếp thu kiến thức cho mình. 

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong phòng Thư viện, cô còn tổ chức thành công Ngày hội đọc sách. Trong ngày hội, học sinh được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như: Thi kể chuyện theo sách, theo chủ đề; vẽ tranh về nhân vật qua các câu chuyện, những phần giao lưu vui nhộn cùng các phần thưởng nho nhỏ động viên học sinh. 

Bằng tài năng của mình, năm 2011, cô đã tham gia Hội thi Cán bộ thư viện giỏi cấp Quận và giành giải Nhì. Bên cạnh đó, cô Hạnh còn có rất nhiều tài lẻ. Cô  tham gia lồng tiếng cho các cuộc thi Giáo viên giỏi, làm ban giám khảo trong các cuộc thi Viết chữ đẹp,…

Có thể nói rằng cùng với sự chỉ đạo quan tâm sát sao của PGD quận, BGH nhà trường, Thư viện trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ ngày càng phát triển, giữ vững danh hiệu Thư viện chuẩn. Hy vọng rằng với những hoạt động hiệu quả, đổi mới, sáng tạo của Thư viện sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường, đưa sự nghiệp giáo dục ngày một vững bước đi lên.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận