Văn hóa - Xã hội

Phát triển văn hóa - động lực cho sự phát triển bền vững Thủ đô ngàn năm văn hiến
Ngày đăng 16/09/2023 | 10:48

Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu phát triển văn hóa, con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã giành được nhiều kết quả quan trọng, từng bước vươn tới mục tiêu đưa văn hóa trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh, quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Xuyên suốt 8 kỳ đại hội sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, không tách rời quan điểm của Đảng ta về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, song vẫn mang những nét đặc trưng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô. Ngày 17/3/2021, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025, với những giải pháp cụ thể, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, khẳng định văn hóa và con người đã và đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Đặc biệt, Bộ Chính trị khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là điều kiện thuận lợi, thời cơ để Thành phố khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo sự đột phá trong phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chương trình số 06-CTr/TU với 3 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Phát triển văn hoá; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia tích cực của nhân dân, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.

Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá trên địa bàn Thành phố được triển khai cụ thể hoá thông qua triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hoá, Thôn văn hoá, Tổ dân phố văn hoá, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá gắn với việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử của Thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, đã có nhiều điểm mới, sáng tạo, với nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, toàn diện, nổi bật. Thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, 63% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hoá, có 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hoá. Thành phố hoàn thành việc phát triển 03 không gian văn hoá, phục vụ nhu cầu thưởng thức, giao lưu, sinh hoạt văn hoá, vui chơi, giải trí, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi cuối tuần: tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng); phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (Ba Đình)…

Thành phố có 06 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia lên 27 di sản; có 66 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng nâng tổng số nghệ nhân của Hà Nội đến nay là 131 nghệ nhân. Đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được cải thiện, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng từ cơ sở. Một số chính sách, cơ chế đặc thù tạo cơ sở pháp lý cho công tác phát triển văn hóa, trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được ban hành.

Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hoá giữa Hà Nội với các Thủ đô và thành phố trên thế giới có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả và thực chất. Hà Nội cũng là thành phố tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá và đăng cai các sự kiện văn hoá quốc tế lớn thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường tổ chức giao lưu, đối ngoại về văn hoá để giới thiệu, quảng bá văn hoá và con người Thủ đô; về bản sắc văn hoá Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhờ đó vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, số lượng khách nước ngoài đến Hà Nội tăng không ngừng; mối quan hệ, hợp tác giữa Hà Nội với các Thủ đô và thành phố trên thế giới ngày càng mở rộng.

Chất lượng giáo dục được giữ vững, nâng cao toàn diện ở các cấp học, bậc học và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy mang lại kết quả nhất định. Kết quả là, học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi với 264 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia; 144 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế.

Với tinh thần Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, Hà Nội có vai trò, trọng trách to lớn trong việc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Phát huy giá trị văn hóa người Hà Nội - nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của Thủ đô để Hà Nội thật sự là trái tim của cả nước là trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi công dân thành phố, mỗi người yêu Hà Nội./.

Nguồn: phòng VHTT

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh