Văn hóa - Xã hội

Hội LHPN quận Hoàng Mai phối hợp tổ chức Phiên tòa giả định chủ đề: phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường
Ngày đăng 19/09/2023 | 08:40

Thực hiện Kế hoạch số 18/KH-BTV ngày 10/2/2023 của Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội về triển khai thực hiện Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2026.

Sáng ngày 14/9/2023, Hội LHPN Thành phố Hà Nội, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội, Hội LHPN Quận Hoàng Mai phối hợp tổ chức Phiên toà giả định chủ đề: phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường tại trường THCS Thịnh Liệt.

Tham dự phiên tòa giả định có đồng chí Lê Thị Thiên Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Hà Nội; đồng chí Khương Quốc Hưng – UVTV, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy; đồng chí Phạm Đàm Thục Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận, đồng chí Trần Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội LHPN Quận, đồng chí Nguyễn Mai Anh – Phó Chủ tịch Hội LHPN Quận, đồng chí Nguyễn Kiến Thuận – Bí thư Đảng ủy phường Thịnh Liệt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Xuân – Hiệu trưởng trường THCS Thịnh Liệt, các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội LHPN Quận và phường Thịnh Liệt, đặc biệt là sự tham gia của 250 các em học sinh khối 9 trường THCS Thịnh Liệt.

Phiên tòa giả định được tổ chức nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác cho học sinh phòng chống bạo lực học đường. Phiên tòa giả định có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Nội dung của phiên tòa là xét xử bị cáo về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ Luật hình sự. Cụ thể về tình huống bạo lực học đường, sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng tới tinh thần, sức khoẻ, danh dự của người khác. Cáo trạng trình bày tại “Phiên tòa giả định”: Em Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh và Trần Hà Anh do có mâu thuẫn và xích mích với nhau. Khoảng 15h00’, ngày 31/1/2023, Trần Ngọc Anh và Nguyễn Thị Thảo rủ Trần Văn Khang đến nhà dùng gậy đánh Trần Hà Anh đồng thời quay lại clip, đăng ảnh, video của Hà Anh lên 3 trang mạng xã hội. “Phiên tòa giả định” diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa khép lại với mức án được tuyên đã giúp các em học sinh hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.

Sau khi diễn ra phiên toà giả định, Báo cáo viên trực tiếp trao đổi, phân tích một số nội dung về tình huống cũng như phổ biến quyền lợi trợ giúp pháp lý đối với trẻ em. Em Nguyễn Hữu Lộc học sinh lớp 9A3, Trường THCS Thịnh Liệt chia sẻ: “Tình tiết diễn biến và vụ việc xảy ra được sân khấu hóa đã giúp chúng em tiếp thu nhanh hơn, hiểu hơn về quy định của pháp luật, về quyền lợi trợ giúp pháp lý của trẻ em cũng như trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân trước các hành vi bạo lực học đường. Em và các bạn mong muốn được tham gia nhiều hơn các phiên tòa giả định như hôm nay”.

Có thể thấy, “Phiên tòa giả định” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế. Cùng với các hình thức tuyên truyền khác, hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi các hành vi xâm hại, bạo lực học đường góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, xây dựng Thành phố an toàn, thân thiện.

Nguồn: Hội LHPN

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh