Văn hóa - Xã hội

Tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024)
Ngày đăng 08/07/2024 | 17:11

Ngày 27/7/1947 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là ngày Thương binh toàn quốc (sau này được đổi là ngày Thương binh-Liệt sĩ). Ngày này đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 là cơ hội tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; ngày để các thế hệ tuổi trẻ và nhân dân tham gia giúp đỡ, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Thông qua các hoạt động đó để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghe theo tiếng gọi của quê hương, lớp lớp các thế hệ thanh niên đã hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc; đất nước ta và nhân dân ta đã chịu biết bao gian khổ, đau thương mất mát; hàng triệu người con ưu tú anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường; hàng ngàn, hàng vạn các đồng chí thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến tuyến. Những người con anh dũng của Tổ quốc, có người còn sống nhưng cũng có người đã nằm lại với đất mẹ thân yêu. Thế nhưng những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ. Đó là các chiến sĩ đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc, họ là những anh hùng ai cũng biết mặt, biết tên song cũng có biết bao anh hùng không ai biết tên, biết mặt. Họ đã thầm lặng hiến dâng cuộc sống của mình, hạnh phúc của mình để mùa xuân đại thắng, mùa xuân độc lập của dân tộc.

Vẫn biết chiến tranh là có mất mát hy sinh, vết thương thịt da có thể lành lặn, nhưng vết thương trong lòng sẽ mãi còn với thời gian. Sự hy sinh của các anh đã làm rạng rỡ quê hương đất nước, đã ươm những mầm xanh, những chồi non lộc biếc của hòa bình và khát vọng. Tinh thần của các anh sẽ luôn sống mãi với quê hương, sống mãi với tình yêu thương của đồng bào, đồng chí. Đó chính là sự trường tồn, bất diệt và cũng là chân lý, là lẽ sống, mà không một thế lực nào có thể khuất phục được.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".

Bởi vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, động viên các đối tượng là thương bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ... ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội.

Trong những năm qua cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân quận Hoàng Mai đã hết lòng chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng. Bằng tình cảm và trách nhiệm, các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn Quận đã thường xuyên làm tốt phong trào tình nghĩa với nhiều hoạt động phong phú, nhiều việc làm thiết thực như: hàng năm Quận trích ngân sách 14 tỷ đồng tặng quà với trên 8 nghìn lượt người có công và thân nhân liệt sĩ; tổ chức các đoàn cán bộ lãnh đạo của Quận dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Tích cực vận động các đơn vị, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” cũng như dành nhiều phần quà tri ân đến các gia đình. 100% người có công và thân nhân được thụ hưởng chính sách về chăm sóc sức khỏe. Con của họ được ưu đãi trong giáo dục đào tạo, được ưu tiên trong tuyển sinh, giải quyết việc làm…

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng là dịp để mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức xã hội có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa chung tay chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công; coi đây là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của chúng ta, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: LĐTBXH

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh