Văn hóa - Xã hội

Tiếp nối dòng chảy của tháng tri ân
Ngày đăng 06/08/2024 | 07:59

Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

 Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Không nằm ngoài dòng chảy đó, như thường niên, Công đoàn trường Tiểu học Vĩnh Hưng đã tổ chức thăm hỏi, tri ân trực tiếp tới các gia đình cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường có thân nhân là thương bệnh binh nhân dịp 27/7.

 Trong dịp này, Công đoàn nhà trường đã trao 5 suất quà, mỗi suất quà trị quá 2.000.000 đồng tới người thân của Công đoàn viên nhà trường là thương bệnh binh.

 Bác Nguyễn Văn Thái tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia vào năm 1976. Bác xúc động chia sẻ với chúng tôi khi thấy nhiều người bạn của mình bỏ mạng nơi chiến trường và thật may mắn khi mình còn được sống, được trở về với gia đình. Hiện, bác vẫn còn một mảnh đạn găm trong bẹn đùi phải, mỗi khi trái gió trở trời là cái chân của bác lại đau và gây không ít khó khăn trong sinh hoạt.

Bác Nguyễn Văn Một xúc động chia sẻ với chúng tôi rằng bố của bác là liệt sĩ. Dịp 27/7 năm nào, các ban ngành đoàn thể và chính quyền xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn cũng tới để thăm hỏi và tri ân tới gia đình bác. Bản thân bác Một xung phong đi lính từ năm 16 tuổi. Sau khi bị thương hai lần liên tiếp tại chiến trường thì đơn vị cho bác về nghỉ chế độ.

Bác Chính bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới tập thể nhà trường khi luôn nhận được sự quan tâm vào mỗi dịp này. Bác nói rằng không phải chỉ là món quà mà là tình cảm, đến thăm nhau là rất quý. Bác cũng rất vui mừng và tự hào khi con gái của mình được sống trong tình yêu thương chan hòa của đồng nghiệp, gắn bó với tập thể trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

  Bác Vũ Văn Kính sau khoảng thời gian đi lính thì quay trở lại việc học. Với nghị lực phi thường, bác đã thi đỗ đại học ở tuổi 35. Bác từng là Hiệu trưởng một trường cấp 2 ở tỉnh Nam Định khoảng 10 năm, sau đó công tác trên Phòng Giáo dục cho đến khi về hưu. Bác kể với chúng tôi về sự may mắn được sống sót của bác rằng nếu ngày năm đó, nếu không bị thương, được đưa về lán để điều trị thì chắc có lẽ bác cũng đã ra đi mãi mãi cùng với đồng đội của mình khi xe bị bom ném trúng lúc đang chiến đấu.

Và rồi tháng bảy sẽ qua đi, thế nhưng những nghĩa cử tri ân, nghĩa tình vẫn đang tiếp diễn theo dòng chảy thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vẫn đâu đó, ở thật gần xung quanh chúng ta là những chàng trai, cô gái mãi mãi tuổi 20 hòa mình vào đất mẹ - họ đã chết cho Tổ quốc sống mãi. Những thương bệnh binh đã để lại một phần máu thịt khắp các chiến trường trở về với những vết thương mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối. Những người Mẹ, người vợ chịu nhiều đau thương mất mát tự an lòng mình ngày các anh là mây sáng trời trong, đêm là trăng sao lấp lánh. Những hi sinh không thể nói hết bằng lời được truyền lại để lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau tự hào, trân trọng, biết ơn, ngợi ca và ra sức dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh./.

Nguồn: trường TH Vinh Hưng

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh