Văn hóa - Xã hội
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô năm 2024). Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (Trừ 05 nội dung có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống để xây dựng Hà Nội phát triển theo hướng văn minh - xanh - sạch.
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THỦ ĐÔ NĂM 2024
Phần I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG (Chương I)
1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Luật Thủ đô năm 2024 quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung quy định một số cơ chế, chính sách thực sự cần thiết để vừa giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển lâu dài của Thủ đô; những vấn đề khác thì được điều chỉnh theo quy định của cả hệ thống pháp luật.
2. Vị trí, vai trò của Thủ đô (Điều 2)
Trên cơ sở quy định Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 15-NQ/TW đồng thời kế thừa Điều 2 Luật Thủ đô năm 2012, Điều 2 của Luật tiếp tục ghi nhận: “Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”.
Luật Thủ đô năm 2024 đã bổ sung thêm cụm từ “... là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị đặc biệt” để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng cũng như yêu cầu phải đạt được của Thủ đô theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương [1].
Để tiếp tục bảo đảm thống nhất trong việc lập, phê duyệt các loại quy hoạch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, khoản 3 Điều 2 Luật Thủ đô năm 2024 quy định: “Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình, thành phố Hà Nội”.
3. Áp dụng Luật Thủ đô ( Điều 4)
Để tạo cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô năm 2024 với các luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực về cùng một vấn đề, nhưng vẫn bảo đảm minh bạch và thứ bậc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủ đô năm 2024 bổ sung Điều 4 quy định về áp dụng Luật Thủ đô.
Quy định về áp dụng Luật Thủ đô nhằm xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết của Quốc hội, giữa văn bản quy định chi tiết, văn bản do Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền Thành phố ban hành để thực hiện những nội dung được phân quyền trong Luật Thủ đô với văn bản của các cơ quan nhà nước khác là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô sau khi được ban hành. Cụ thể:
- Quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác với quy định về cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực ( khoản 1 Điều 4) .
- Quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần được áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 4).
Đồng thời, để dự phòng các trường hợp luật, nghị quyết ban hành sau chưa dự liệu được đầy đủ nội dung áp dụng pháp luật liên quan đến các quy định của Luật Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 quy định trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai cho thấy áp dụng quy định này cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và nội dung này cần được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất (khoản 2, Điều 4 ).
Để bảo đảm tính khả thi của quy định trên, Luật Thủ đô năm 2024 quy định khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định khác về cùng vấn đề với Luật Thủ đô thì cần xác định việc áp dụng theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 50). Đồng thời, giao trách nhiệm cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất việc áp dụng quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô mà việc áp dụng quy định đó sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho ý kiến trước khi báo cáo đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (điểm đ khoản 5 Điều 52).
- Để bảo đảm hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 quy định các văn bản này được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề (khoản 3 Điều 4).
Đây là quy định hết sức cần thiết bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở trung ương thực hiện. Do đó, không thể tránh khỏi trong các văn bản quy định chi tiết hay quy định thực hiện thẩm quyền mà Luật Thủ đô giao có nội dung khác với quy định trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các nội dung được phân quyền trong Luật Thủ đô năm 2024 được rành mạch hơn, khắc phục những vướng mắc lớn trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai.
4. Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô (Điều 5)
Điều 5 Luật Thủ đô năm 2024 kế thừa, bổ sung Điều 4 Luật Thủ đô năm 2012, trong đó xác định rõ: “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước”.
5. Biểu tượng của Thủ đô (Điều 6)
Điều 6 Luật Thủ đô năm 2024 tiếp tục kế thừa Điều 6 Luật Thủ đô năm 2012, quy định: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Biểu tượng này đã được toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đặc biệt coi trọng, giữ gìn, phát huy. Hình ảnh Khuê Văn Các thường xuyên xuất hiện trong tất cả các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống của Thủ đô, được tuyên truyền, giáo dục gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Biểu tượng này cũng được truyền thông rộng rãi nhằm định vị, quảng bá hình ảnh của Thủ đô ra thế giới. Hình ảnh Khuê Văn Các đã được khắc họa sâu đậm trong nhận thức, tình cảm, lòng tự hào của mọi người dân Thủ đô, là biểu trưng truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, có giá trị trường tồn cùng Thủ đô Hà Nội.
6. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô (Điều 7)
Điều 7 Luật Thủ đô năm 2024 tiếp tục kế thừa Điều 7 Luật Thủ đô năm 2012 quy định về danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.
Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô là hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh, động viên, khuyến khích người nước ngoài đã có đóng góp cho Thủ đô, góp phần mở rộng, tăng cường tình hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước ta nói chung với bạn bè quốc tế. Quy định này không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý đối với người được phong tặng vì “Công dân danh dự” không phải là “Công dân” của Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và Luật Quốc tịch. Đây là sự bổ sung hình thức khen thưởng chưa được Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành quy định.
[1] Khoản 3 Điều 3 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt”.
PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN